Lễ Chầu Mình Thánh Chúa Giáo Xứ Sapa - Giáo phận Hưng Hóa
Ngày 24-7-2011, Chúa nhật 17 thường niên, giáo xứ Sapa hân hạnh được chầu Mình Thánh Chúa thay mặt Giáo phận Hưng Hóa. Đây là cơ hội tốt để các giáo xứ, giáo họ trong và ngoài Giáo hạt, Giáo phận đến thông công và giao lưu với nhau.
Những đoàn đến từ các giáo xứ trong giáo hạt Lào Cai như giáo xứ Lào Cai, Bảo Yên và Phố Lu. Những đoàn đến từ các giáo xứ trong Giáo phận Hưng Hóa như cộng đoàn Lai Châu, Mường So, Điện Biên, Tủa Chùa, Yên Bái, giới trẻ giáo xứ Nỗ Lực và Tiên Cát. Đoàn đến từ ngoài Giáo phận như ca đoàn giới trẻ Maria Goretti giáo xứ Thái Hà thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội.
Ngay từ nhiều ngày trước, bầu khí đã nhộn dịp lạ thường bởi Sapa được biết đến như một địa danh nổi tiếng tại Việt Nam. Nhà thờ đá được xây dựng từ năm 1902 ngay tại trung tâm thị trấn Sapa. Hơn nữa, nhà thờ được coi như là biểu tượng của xứ sở sương mù này. Khách du lịch đến Sapa để thưởng thức những ngày nghỉ cuối tuần lí tưởng. Đến với Sapa nghỉ ngơi mát mẻ quí khách lại được dự ngày chầu Thánh Thể như dịp này, đó là một quyết định không thể tốt hơn.
Tối ngày thứ bảy, giáo xứ Sapa tổ chức thi giáo lí và vui văn nghệ. Các bạn giới trẻ hưởng ứng rất nhiệt tình và sôi động. Chính nội dung và bầu khí hấp dẫn của đêm giao lưu đã lôi kéo sự tò mò của nhiều khách du lịch tới tham gia. Chắc chắn cha quản xứ và giáo xứ Sapa thấu hiểu dụ ngôn Người gieo giống (Mt13,1-23). Người ra đi gieo giống: có hạt rơi vào vệ đường, có hạt rơi vào đá sỏi, có hạt rơi vào bụi gai, có hạt rơi vào đất tốt. Riêng chỉ có hạt rơi vào đất tốt mới sinh hoa kết quả. Hạt được ba chục, hạt được sáu chục, hạt được một trăm.
Số khách du lịch đến xem cũng như hạt giống vậy, không phải ai cũng đã có cơ hội hay sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa nhưng chắc chắn trong số đó cũng có những người đã bị Lời Chúa đánh động lương tâm và trở nên tốt hơn sau khi tham dự.
Điều đáng nói ở đây là trong số những người đi du lịch và tham dự ngày chầu Thánh Thể của giáo xứ Sapa thì họ ăn và ngủ ở đâu? Một câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại hết sức quan trọng. Đối với những giáo xứ nề nếp và có cơ sở vật chất như ở vùng xuôi thì không mấy khó khăn nhưng đối với giáo xứ Sapa thì đây là một vấn đề lớn. Người ta thường nói: “Một đêm nằm, một năm ở”. Phải liệu sao đây ?
Hơn nữa, giáo dân thường có suy nghĩ đi đâu cứ lấy nhà thờ làm trung tâm nên việc ăn ngủ cứ cậy nhờ nhà thờ. Vậy là cha xứ và giáo xứ phải lo liệu mọi sự ? Đúng vậy, nhìn vào những bữa ăn thì thấy phải tốn kém tới mức nào! Rất nhiều người đến sinh hoạt từ hôm trước!!! Vậy, phép lạ Chúa hóa bánh ra cho nhiều người lại được cụ thể hóa nơi giáo xứ miền sơn cước này.
Về việc ngủ đêm cũng vậy. Nhà xứ thì quá chật hẹp và đỗ nát. Nhà thờ thì nhỏ bé. Chăn chiếu thì có hạn. Làm sao đây ? Người xưa vẫn thường nói: “Trong cái khó lại Ló cái khôn”. Cha xứ và BHG lại nghĩ ra việc nhờ nhà trường cấp I gần đó. Nhưng với cái lạnh của xứ sở sương mù này, có chỗ ngủ vẫn chưa đủ mà còn phải có cái đắp nữa. Khó khăn chồng chất khó khăn. Vậy mà công việc cứ đâu vào đấy! Ai cũng vui, nhất là nụ cười luôn luôn nở trên môi Cha xứ Phêrô Phạm Thanh Bình.
5g00 sáng ngày Chúa nhật, tiếng chuông cất lên trong đêm sương và gió lạnh. Mọi người thức dậy như ngỡ mình nằm trong mơ. Mình đang nằm nơi đâu ? Bây giờ là mấy giờ rồi ? Thôi dậy đi ! Chầu Chúa để cám ơn Chúa!
“Lạy Chúa, ngay từ buổi sớm mai
Xin cho con nghiệm thấy tình thương của Chúa”.
Theo chương trình đã xếp, các đoàn thay nhau chầu Thánh Thể từ 6g00 cho đến 10g30. Giờ chầu chung và Thánh lễ là cao điểm của tuần chầu. Cha Phêrô Phạm Thanh Bình, quản xứ Sapa chủ tế. Cùng đồng tế với ngài còn có Cha Antôn Nguyễn Văn Huynh, Giáo phận Ban Mê Thuật, giảng lễ và cha Giuse Nguyễn Văn Thành, quản xứ Lào Cai.
Vì đông người tham dự mà nhà thờ lại chật hẹp nên Cha xứ Phêrô mời gọi giáo dân thuộc giáo xứ Sapa, cả người Kinh và người dân tộc H’Mông, nhường chỗ trong nhà thờ cho các đoàn và khách đến tham dự ngày chầu lượt. Mọi người vui vẻ đón nhận. Một nghĩa cử rất lịch thiệp và văn hóa. Một hành vi mang tính nhân văn cao!
Được biết, ca đoàn giáo xứ Sapa hầu hết là người dân tộc H’Mông nên các bài hát trong Thánh lễ vừa bằng tiếng Việt vừa bằng tiếng dân tộc. Với kiến trúc gôtích của nhà thờ cộng với giọng hát “hoang sơ” của các ca viên miền sơn cước, mọi người tham dự đều cảm nghiệm được tình Chúa cách lạ lùng!
Sau Thánh lễ, Cha xứ thay mặt cộng đoàn giáo xứ Sapa mời các đoàn ở lại dùng bữa cơm thân mật với nhà xứ. Hầu hết các đoàn ở lại dùng cơm nhưng vì khuôn viên nhà xứ chật hẹp nên phải chia làm hai đợt mới hết người. Đợt một có hơn 60 mâm dành cho những đoàn ở xa. Đợt hai có 25 mâm dành cho những đoàn ở gần và người phục vụ. Nhìn vào khu vực nhà xứ lúc liên hoan không ai lại không thấy bầu khí vui nhộn và thân mật như là một gia đình.
Nhiều người nói vui rằng: “Tổ chức chầu Thánh Thể như thế này thật sốt sáng nhưng ăn uống thế này thì tốn kém quá”. Vâng đúng là rất tốn nhưng biết làm sao bây giờ? Có đoàn đến từ cả 400-500 km. Có đoàn đến từ 200-300 km. Có đoàn đến ngắn nhất cũng phải từ 40-50 km. Cũng chỉ vì yêu mến Chúa, yêu mến Giáo Hội, yêu mến Cha xứ và giáo xứ mà người ta đến thông công ngày chầu Mình Thánh Chúa nên ăn uống cũng là hợp lí. Vả lại, Sapa là giáo xứ của người dân tộc nên chuyện ăn uống như vậy cũng là lí của người dân tộc nữa. Nó rất hợp tình Chúa và chan chứa tình người (ít nhất trong vùng truyền giáo Tây Bắc vào thời điểm hiện tại).
Ngày chầu Mình Thánh Chúa của giáo xứ Sapa đã kết thúc nhưng âm hưởng của nó không qua đi mà còn đọng lại trong tâm hồn mỗi người tham dự. Hạt giống đức tin, hạt giống hiệp thông âm thầm nảy mầm. Chúng ta hi vọng và có quyền hi vọng hạt giống ấy sẽ triển nở trên vùng đất Tây Bắc này.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành