Thứ bẩy, 23/11/2024

Hai mươi năm “móc ruột nhả tơ”

Cập nhật lúc 17:04 30/10/2012
Hai mươi năm “móc ruột nhả tơ”


Xin giới thiệu một bài viết về nhà văn - thơ Nguyễn Thị Thanh Huệ (Hoàng Lan), một phụ nữ ở tuổi "xưa nay hiêm" nhưng vẫn rất trẻ trung yêu đời và tha thiết với cuộc sống nhân sinh trong niềm niềm tin yêu tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa là Cha Nhân Hậu.

Hai mươi năm “móc ruột nhả tơ”
 
 
Nhà văn Thanh Huệ (đứng, giữa) chụp cùng thi sĩ Mộng Tuyết (ngồi).

 

Xuất thân từ một gia đình nông dân, nên chị Nguyễn Thị Thanh Huệ chẳng có dính dáng gì đến dòng máu nghệ sĩ mà chỉ có “hồn quê gốc rạ”. Có lẽ sự yên ắng thanh bình của một vùng đất cội nguồn An Giang - quê chị, là mạch nguồn khơi dậy “mối tình văn học” giúp chị tăng thêm nhiều cảm xúc và niềm đam mê cháy bỏng.

Nếu như không có một tấm lòng, không có cách tiếp cận riêng với đời sống và một cốt cách tâm hồn, chị không thể nào cho ra đời trên 30 bộ tiểu thuyết trong vòng mười năm cùng với nhiều thơ, văn, truyện ngắn đăng rải rác trên các báo và tạp chí chuyên ngành. Có thể nói chị là tấm gương của ý chí và nghị lực phi thường - một phụ nữ nghèo, vừa đi bán xăng lề đường vừa viết tiểu thuyết để nuôi 6 miệng ăn. Chị viết một cách thoải mái, viết bằng xúc cảm, bằng hoài niệm và bằng ký ức lãng mạn. Hình như trời đã phú cho chị một giác quan tinh tế và vô cùng nhạy cảm cộng thêm với trí nhớ tuyệt vời.

 

Nếu tính từ truyện ngắn đầu tay “Phù sa trên tóc bạch kim” được giải cao nhất do Báo Hậu Giang tổ chức năm 1990 cho đến nay, chị như một con ong cần mẫn, ngày ngày tha mật ngọt về chắt chiu cho hơn 10.000 trang bản thảo. Mỗi trang viết của chị đều thấm đẫm bao mồ hôi công sức nhọc nhằn, tất cả cũng vì tình yêu văn chương. Trong sâu thẳm, chị bao giờ cũng có một khoảng trời mơ ước, náo nức, mong sao cho tác phẩm của mình được nhiều người đồng cảm, sẻ chia. Nhưng, sống giữa thời buổi kinh tế thị trường, nhiều tác phẩm và tác giả bị rơi vào quên lãng hoặc chìm khuất trong biển sách mênh mông. Hình như trường đời đối với chị Thanh Huệ là một quyển sách không lời vô cùng quý giá. Nếu như không trải qua những ngày làm hộ lý ở bệnh viện Cần Thơ và không có dịp chứng kiến cảnh đời tối tăm, ngụp lặn của những kiếp người “cơm vãi cơm rơi” ở các con hẻm bùn lầy nước đọng, chắc chắn chị sẽ không có truyện ngắn “Phù sa trên tóc bạch kim”“Tiếng khóc con Đỗ Quyên”... những tác phẩm đã làm nên một Thanh Huệ đồng bằng.

 

Bàn về văn xuôi của chị Thanh Huệ, cho tới giờ này chưa có ai đi sâu vào việc phân tích đánh giá một cách công bằng và khách quan. Nhưng có một điều ai cũng thừa nhận là lời văn của chị khá mộc mạc, chân thành và giản dị. Chị viết như để giãi bày và gửi gắm một chút gì đó thuộc về thân phận làm người. Trong đó thành công nhất là khi viết về tình yêu và nỗi khắc khoải của con người trong quá trình đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Nếu như ngòi bút của chị không có sức hút, không có sự đồng cảm của nhiều người thì chị đâu có vinh dự nhận được giải thưởng của Báo Tuổi trẻ viết về “Chuyện đời tự kể” diễn ra hồi năm 2007? Và Đài truyền hình Cần Thơ dựa vào đâu để trân trọng giới thiệu chị như một tấm gương tiêu biểu về văn học?

 

 

Không chỉ viết văn, chị còn làm thơ. Riêng về thơ của Thanh Huệ, nguồn thơ lúc nào cũng phóng túng. Ở lứa tuổi thất thập cổ lai hy mà thơ của chị có lúc trẻ như “tuổi teen”. Nhiều người thường nói “Cuộc đời sẽ tàn lụi một khi tâm hồn và hoài bão đã khép lại”. Tâm hồn chị không những không khép lại mà còn mở toang cửa sổ để đón nhận những luồng gió mới. Có thể nói tính lãng mạn là liều thuốc để hâm nóng trái tim “mùa đông” của chị.

 

Vườn cỏ mật

 

Anh xuân trôi biền biệt

 

Không có người

 

Ta mãi bóng thu rơi

 

(Bóng thu rơi)

Thơ đến với chị đều từ thẳm sâu của ký ức. Nhờ vậy mà tư duy và cảm xúc thơ của chị có nhiều cung bậc tình cảm, đặc biệt là có cái duyên thầm, giản dị mà vẫn sâu, giọng thơ êm đềm tha thiết:

 

Mùa thu nào thức dậy

 

Giữa hồn xanh bao la

 

Hiền xanh như cỏ lá

 

Thưa ngọc ngà hoang sơ

 

(Mùa thu nguyên phối)

Trong bút pháp thơ của chị, hình như những cụm từ Hán Việt rất ít khi xuất hiện, ngược lại nghệ thuật tu từ thuần Việt lại xuất hiện với một tần suất khá cao, cụ thể như: bâng khuâng, chiều, muộn, mênh mông, biền biệt, nhạt nắng, tím, lung linh, rưng rưng... giúp cho hồn thơ lai láng, ý thơ dạt dào, luôn hướng về nội tâm:

 

Quê hương buồn tháng bảy

 

Giọt Ngâu chiều trên dấu muộn xe lăn...

 

Và:

 

 

Hàng phượng đỏ rưng rưng như mắt khóc...

Ngoài ra, chị còn thích dùng nhiều ẩn dụ tạo cho câu thơ có nhiều sắc thái và sinh khí mới. Sự hòa hợp giữa trí tuệ và trữ tình trong thơ được biểu hiện qua nhiều liên tưởng khá thú vị, nhất là biệt ngữ thơ bao giờ cũng phóng túng. Đó chính là cá tính sáng tạo, là cái “tạng” riêng của mỗi người.

 

Nghe tím giọt rừng già

 

Nước mắt cay trổ muộn

 

(Bài thơ viết vội)

 

 

Bằng một tâm hồn say mê và từ góc độ biểu cảm riêng, chị đã sáng tạo ra nhiều câu thơ bay bổng, cuồn cuộn chảy, kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố hiện thực và lãng mạn, khiến cho câu thơ có một cái gì đó dễ lôi cuốn, lời thơ trong trẻo, reo vui, có khi lắng đọng một nỗi niềm:

 

Những niềm vui ký ức

 

Thành giọt buồn mềm mặn mãi môi ta

 

(Bóng thu rơi)

Qua nhiều bài thơ, truyện và tản văn của Nguyễn Thị Thanh Huệ, chúng ta có thể khẳng định chị có một năng lực cảm thụ khá tinh tế, dồi dào, lúc nào cũng say mê khai phá vùng tiềm thức và thích quay về với quá khứ. Do đó thơ của chị, ngoài một số ít câu “siêu thực” khó hiểu, phần lớn là những câu khỏe khoắn, sôi nổi, thiết tha và giàu nhạc điệu.

Trải qua 20 năm cày xới trên cánh đồng chữ nghĩa, chị lúc nào cũng vui, cũng tự hào và lúc nào cũng “Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ // Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà” (1). Giờ đây, tuy tuổi đã cao nhưng chị vẫn thích gần gũi và đồng hành với làn sóng sáng tác của giới trẻ, nụ cười của chị lúc nào cũng tươi rói, giòn tan, nhất là mỗi lần được bạn bè chia sẻ hoặc tiếp nhận những tin vui từ các hoạt động văn nghệ, gương mặt chị lại bừng lên, tươi sáng và hồn nhiên.

 

 
(1) Thơ Nguyễn Công Trứ.

HOÀI PHƯƠNG
 
Giáo xứ Sapa
Thông tin khác:
Video Giáo Xứ Sapa Đón Đức Khâm Sứ Toà Thánh - Ngày 18.02.2024
GIỜ LỄ (TIMES OF MASS)
NGÀY THƯỜNG (WEEK-DAYS): 19:00

CHÚA NHẬT (SUNDAY): 09:00; 19:00

Chầu MTC: Thứ Năm trước thánh lễ *
* Adoration of Sacrament: before Mass on Thursday *

Giải tội trước và sau thánh lễ *
* Confessions before and after Mass *
LIÊN KẾT
Tiêu điểm
Thánh ca & Nhạc công giáo
Tâm sự chiếc áo dòng
Bài thánh ca buồn
Mùa đông năm ấy
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.sapachurch.org!
log