Giáng Sinh về trên "nóc nhà" Đông Dương
Sách giáo khoa ngày xưa đề cập đến hiện tượng tuyết rơi ở Việt Nam bằng một câu ngắn ngủi: "Việt Nam ta không có tuyết, ngoại trừ thỉnh thoảng ở Sapa."
Ngày nay khí hậu biến đổi toàn cầu, người ta cho biết hầu như hiện tượng tuyết rơi xảy ra thường xuyên ở đây.
Vào đầu tháng 12 vừa qua, khi đoàn lữ hành chúng tôi lên thăm Sapa, thì tuyết chưa rơi, nhưng bầu trời không có nắng, sương mù sa xuống mỗi ngày hai ba lần.
Xem hình bấm vào đây
Lạnh! Nhiệt độ chỉ vào khoảng khoảng 5 độ C (41F) bình thường cho vùng Bắc Mỹ, nhưng cái cảm giác có vẻ giống như lạnh dưới không độ. Cái lạnh sương muối ngấm qua nhiều lần áo len áo dạ, tái tê. Các đầu ngón tay nhưng nhức như thể bị kim châm. Người hướng dẫn viên cho biết với cái lạnh kéo dài như thế này thêm ba bốn ngày nữa thì những lỗ chân lông tên mu bàn tay sẽ nứt ra và súc vật sẽ chết hàng loạt. Ngày xưa khi chưa có thuốc thoa, người ta lấy tro trộn với nước tiểu mà xức.
Vậy mà thổ dân ở đây, các em bé chỉ mới 7, 8 tuổi, đeo sau lưng các em 1, 2 tuổi khác, vẫn để chân trần.
Các em bé này bị cha mẹ bắt cõng em đi lang thang trên các con đường chợ phiên gió lùa nhỏ hẹp, chúng len lỏi tìm du khách để dụ bán các mảng vải thêu (giữ chìa khóa) giá khoảng vài xu (dollar). Tuổi thơ còn vô tư ham chơi, bị xua đuổi không cho vào hàng quán, chúng run rẩy đứng nép bên cửa, xem trộm chương trình TV.
Các thổ dân H'Mông, Dao đỏ, Tày, Giáy, Xã Phó làm nghề nông bằng cách canh tác các thửa ruộng bậc thang trên các sườn đồi. Đất ít, không phương tiện bơm nước, chỉ trông nhờ vào giòng nước thượng nguốn chảy xuống khi trời mưa. Mỗi năm trồng được một mùa. Đất núi còn sỏi đá, không phân bón, thu hoạch kém. Đời sống nghèo, con người sống an phận, xã hội bình đẳng trong cái khổ, không tranh đua, không cơ hội để cố gắng.
Người Kinh (Việt) biết đến Sapa nhờ người Pháp. Người Pháp đã nghiên cứu khí hậu của vùng cao nhất Đông Dương này vào đầu thế kỷ trước và quyết định mở một khu Nghỉ Mát ở đây. Họ du nhập các giống thông loại tùng bách (samu) từ 'Mẫu quốc' sang, ngày nay các cây hằng trăm tuổi này vẩn còn mọc rải rác hai bên ven đường. Thành phố được đặt tên là Chapa, rồi Sapa.
Trong thời chiến tranh 1947, Sapa bị 'tiêu thổ kháng chiến'. Rồi trong cuộc chiến biên giới Việt - Trung 1979, lại một lần 'tiêu thổ kháng chiến' thứ hai. Hằng trăm căn villa của người Pháp xây dựng trở thành phế tích, ngoại trừ ngôi nhà thờ cổ bằng đá ở giữa thị trấn.
Bên ngôi nhà thờ cổ này vẫn còn ngôi mộ của vị linh mục người Pháp cuối cùng. Ngài bị chặt đầu ngay trong nhà thờ vào năm 1948. Không rõ ai là thủ phạm. Giáo dân tìm lại được đầu của ngài vài ngày sau đó và họ chôn ngài sau nhà thờ. Từ đó, đã không còn bóng dáng một linh mục nào trong gần 60 năm dài.
Thời gian 60 năm của một xã hội mà tuổi thọ trung bình chỉ có 30 tới 40 thì là quá dài. Hầu như những người đã từng thấy một chiếc áo chùng thâm thì đã chết cả, thế hệ con cái của họ cũng chết nhiếu rồi, vậy mà...
Khi Sapa được tái thiết để trở thành một khu du lịch, người Việt cũng bắt đầu di dân lên đây, chủ yếu là buôn bán các mặt hàng lưu niệm ở ngoài phố. Giáo phận Hưng Hóa đã gửi một linh mục về lại ngôi nhà thờ cổ để tái lập giáo xứ và lo việc mục vụ cho các bản xa xôi của thổ dân ở các vùng Điện Biên và Lai Châu. Các linh mục Việt Nam đã tìm lại được những giáo dân H'Mông còn giữ đạo và... vẫn còn đọc kinh gia đình sáng tối, ngày Chúa Nhật vẫn ôn lại các bài 'kinh nghĩa đức tin'.
Ngày trước, các câu kinh bằng tiếng Việt của Địa Phận Hanoi đã được dịch sang tiếng H'Mông, và họ đã ba bốn đời truyền khẩu cho nhau để giữ đạo trung thành.
Chúa Nhật vừa qua, họ đi lễ đông hơn bình thường, đứng chật nhà thờ và chen lấn bên ngoài gác chuông. Trang phục mầu sắc của người H'Mông làm rực rỡ khung cảnh buổi lễ. Nhiều gương mặt du khách ngoại quốc lộ vẻ sững sờ.
Cha xứ Phêrô Phạm Thanh Bình cho biết không phải Chúa Nhật nào cũng đông như vậy, hôm nay là ngày đặc biệt vì giáo xứ phát giầy và áo lạnh cho các em nhỏ.
Giáo xừ Sapa không giàu để có thể tự lực mua hàng trăm đôi giầy và áo lạnh như thế. 90 phần trăm là người dân tộc. Số thu hàng tuần không đủ chi tiêu. Mùa Noel sắp tới rồi, cha xứ khuyến khích giáo dân ai có năng lực nên trang hoàng một cây Noel trong nhà cho thêm phần trang trọng, nhưng chính trong nhà thờ, ngài không đủ 'năng lực' để có một cây Noel, kể chi đến đốt đèn màu. Bề mặt nhà thờ nguội tanh, một biểu ngữ chào mừng Đức Khâm Sứ Tòa Thánh trong dịp viếng thăm vào tháng 11 vẫn còn giữ lại cho thêm phần long trọng. Nhìn xa, cửa đóng, không có vẻ là một nhà thờ đang hoạt động. Phải tới gần, người ta mới thấy một tấm biển ghi trên cánh cửa: " xin cứ mở cửa".
Trong nhà thờ ban ngày không đốt điện nhưng ánh sáng từ các cửa sổ màu cũng đủ làm lung linh phong cảnh bàn thờ.
Giáo xứ cũng có 2 phương cách kinh tài: thứ nhất là giữ xe trong khuôn viên nhà thờ, thứ hai là trồng rau quanh nhà thờ (thay vì trồng hoa.) Tất cả là để bồi dưỡng cho chương trình khuyến học. Con em người dân tộc không muốn đi học. Học làm gì khi mà công việc cuối cùng vẫn chỉ là làm ruộng. Vậy học làm ruộng thì thiết thực hơn. Có 35 em người dân tộc đang 'nội trú' trong căn nhà tôn của giáo xứ, cửa ra vào chỉ là một tấm màn vải phất phơ theo gió. Các em từ các bản xa xôi được khyến khích ở tạm nơi đây để có thể đi học hàng ngày tại trường của Sapa.
Chương trình khuyến học hầu như đã đem lại một kết quả. Năm vừa qua một thanh niên H'Mông mới tốt nghiệp đại học đã nhập Đại Chủng Viện Hà nội, trở thành chủng sinh người H'mông đầu tiên của giáo phận Hưng Hóa cũng như của Giáo Hội VN. Ngoài ra cũng có 2 em nữ đang là đệ tử dòng MTG Hưng Hóa và một số thanh niên khác đang học đại học, cao đẳng hoặc đang tìm hiểu ơn gọi dâng hiến.
Ngoài căn nhà tôn không cửa của chương trình khuyến học, tài sản của nhà xứ còn có một phòng của cha xứ nằm ở đầu một dãy nhà xây. Đây là những phòng ốc của giáo xứ nhưng lâu ngày đã bị chiêm mất gần hết. Phần đất bên hông của nhà thờ cũng đã bị lấy đi. Chính quyền đồng ý cho giáo xứ lấy lại hết, nhưng phải bồi thường một nửa cho những người đang cư ngụ ở đó. Số tiền cần có là 1 triệu đô la. Một giáo xứ nghèo như thế này thì làm sao xoay sở cho ra một số tiền lớn như thế?. ..thôi thì đành phải đợi một phép lạ vậy, đợi năm này qua năm khác...
Nhưng phép lạ thì vẫn không thiếu. Giáo dân còn giữ đạo qua 60 năm thử thách đã là một phép lạ rõ ràng. Mới đây, một Sơ Đại Hàn quen biết đã vận động các người Hàn Quốc đang làm việc tại Viết Nam hổ trợ cho một chương trình mua giày và áo lạnh cho các em bé nghèo. Hôm nay là ngày phân phát, vừa đúng lúc cho mùa lạnh đang tới.
Số giày không đủ phát,nhiều em quá nhỏ không có giầy đúng cỡ. Cha xứ hứa sẽ mua thêm và yêu cầu các em trả lại những đôi giầy lớn quá. Những tâm hồn thơ ngây trong trắng không chút tham lam đã sẵng sàng chờ đợi một cách vui vẻ, tin tưởng vào lời của vị linh mục đáng kính.
Chiều về, chợ thưa dần. Có những em bé mặc áo lạnh mới toanh nhưng chân vẫn còn đi đất.
Ngày Chúa Nhật qua đi, ngôi nhà thờ đá lại an phận ngủ yên trong cảnh sương mù.
Trần Mạnh Trác
Nguồn: VietCatholic News
MỘT SỐ HÌNH ẢNH
GIÁO XỨ SA PA