ĐỨC TIN NƠI VÙNG CAO SAPA Du khách đặt chân tới Sapa (một thị trấn thuộc tỉnh Lào Cai nằm ở độ cao 1.600m so với mặt nước biển) đừng ngạc nhiên khi thấy ngôi nhà thờ với tháp chuông cao nằm ngay chính giữa trung tâm thị trấn du lịch. Ngôi nhà thờ là chứng nhân chứng kiến sự ra đời của Sapa. Nhà thờ có tên Đức Mẹ Mân Côi (còn gọi là nhà thờ đá) xây dựng vào thập niên 20 của thế kỷ trước (khoảng năm 1926) và trở thành trung tâm tôn giáo, địa điểm văn hóa du lịch của Sapa.
Các hoạt động cầu nguyện diễn ra vào buổi chiều hằng ngày cũng như trong những ngày cuối tuần tạo cho cộng đồng dân Chúa giáo xứ Sapa một sức sống đức tin chân chất mà mạnh mẽ. Theo thư Mục Vụ của Đức Giám mục giáo phận Hưng Hóa, nhà thờ đá Sapa trở thành Điểm hẹn đức tin của con cái Chúa trong giáo hạt Lào Cai vì đây là “ngôi nhà thờ cổ kính ôn lại lịch sử đón nhận Đức Tin từ xa xưa”.
Giáo xứ Sapa thành lập từ năm 1902, do các linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris (M.E.P.), dưới thời Đức Giám mục Paul Ramond (Phaolô Lộc). Hiện nay, giáo xứ Sapa là một trong những giáo xứ xa nhất của giáo phận Hưng Hoá, gồm 4 giáo họ với khoảng 2.300 giáo dân mà hầu hết là anh em dân tộc H’Mông (gần 90%). Vào tháng 10, tháng kính Đức Mẹ Mân Côi, bổn mạng của giáo xứ, không khí nhà thờ luôn rộn ràng tiếng đàn lời ca của các chị em trong hội Mân Côi. Chị em tập các bài hát điệu múa dâng hoa lên Đức Mẹ vào các buổi lễ cuối tuần. Tuy đơn sơ mộc mạc nhưng toát lên niềm thành kính của các tín hữu nơi vùng cao này.
Ngày 21.10 vừa qua, giáo xứ đã khai mạc trọng thể Năm Đức Tin với sự tham dự nhiệt thành của những người con cái Chúa nơi đây. Trên gương mặt mọi người đều biểu lộ niềm tin vào lời Thiên Chúa truyền dạy, biết tín thác vào tình thương của Chúa, sẵn sàng dấn thân loan báo Tin Mừng, theo lệnh Chúa truyền.
Trong tâm tình của một tín hữu Công giáo, chị M.P Trần Thị Hồng Nhung đã viết nên những vần thơ sau: Người đã dẫn ta đi đến từng mái nhà lụp xụp / Từng cảnh đời cô quạnh thiếu tình thương / Ôi Giêsu ngọn lửa thấu đêm trường / Cứ bền bỉ gieo Niềm Tin vào lòng nhân thế / Từ ấy ta biết yêu từng phút giây lặng lẽ / Mỗi bình minh cảm tạ Đức Chúa Trời / Người đã cho ta thêm ngày sống để ra khơi / Tới chỗ nước sâu trải nghiệm đời môn đệ (Vọng về Giêsu). Người Kitô hữu nơi vùng cao Tây Bắc này gửi gắm ước nguyện đơn sơ của mình: Con mơ ước cho đời làm men muối / Chẳng khi nào hết mặn giữa nhân gian / Dẫu nắng mưa cũng chẳng thể phai tàn / Chất Kitô dạn dày theo năm tháng (Mùa Vọng - Mùa ước mơ), và …Được đồng hành được chia sẻ đức Tin.
***
Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi do các kiến trúc sư người Pháp thiết kế với mặt chính quay về hướng mặt trời mọc, tựa như đón nguồn ánh sáng từ Thiên Chúa; phía cuối nhà thờ là tháp chuông theo hướng Tây với ngụ ý là nơi sinh thành của Chúa Giêsu Kitô. Kiến trúc của nhà thờ được xây theo hình thập giá theo kiến trúc Gothique thể hiện ở mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn… đều là hình chóp tạo cho công trình nét bay bổng thanh thoát. Toàn bộ nhà thờ được xây bằng đá đẽo được liên kết với nhau bằng hỗn hợp của cát, vôi và mật mía. Phần tường của cánh thánh giá bên phải được tạo nhám như nhũ đá chảy xuống làm tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên. Mái nhà lợp ngói, trần nhà bằng vôi rơm. Tháp chuông cao 20m, bên trong có quả chuông cao 1,5m, nặng 500kg, đúc năm 1934, tiếng vang trong vòng bán kính gần 1km.
Kể từ khi xây dựng đến nay, nhà thờ đã trải qua nhiều biến cố trong chiến tranh lẫn sự tàn phá của thiên nhiên thế nhưng nhà thờ vẫn giữ được nét duyên dáng và cái hồn của một công trình kiến trúc tôn giáo. Với nét tôn nghiêm trầm mặc, nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi luôn là một điểm hẹn của du khách. Cha quản xứ Phêrô Phạm Thanh Bình ân cần nói: “Giáo xứ Sapa còn rất nhiều công việc phải làm trong Năm Đức Tin. Vì vậy, giáo xứ rất cần đến sự hỗ trợ của giáo phận, của quý cha, quý tu sỹ và toàn thể cộng đoàn dân Chúa mọi nơi. Sự hỗ trợ này không những chỉ bằng lời cầu nguyện, bằng sự hiệp thông liên đới trong tinh thần, mà còn bằng việc hỗ trợ phương hướng xây dựng và phát triển, để giáo xứ trở nên một trung tâm mục vụ và loan báo Tin Mừng”.
Do đó, sinh hoạt của giáo xứ không chỉ bó gọn trong cộng đồng tín hữu mà còn với du khách. Giáo xứ không chỉ tổ chức các lễ kính trọng thể vào các mùa Phục Sinh, Giáng Sinh mà còn đem đến các sinh hoạt thân ái trong các ngày tết Trung Thu hay lễ cơm mới, Gầu-tao của người dân tộc thiểu số…
Ngôi nhà thờ và thị trấn Sapa gắn bó mật thiết với nhau là thế, ắt bắt bước chân của du khách dừng chân và ghé vào. Hẳn khi chúng ta rời xa nơi đây tiếng chuông vẫn buông ngân nga trong tâm trí.
ĐOAN TRANG