Thấm thoát đã 40 năm từ khi bức hình cô bé bị phỏng vì bom napalm được hãng thông tấn Associated Press (AP) phát hành khắp thế giới. Bức hình, ghi lại hình ảnh những nạn nhân đáng thương của chiến tranh, đã đánh động vào lòng nhiều người. Cô bé trong bức hình đó là ai? Trong những năm sau đó cuộc đời cô gái như thế nào? Cuộc đời của người phụ nữ ấy bây giờ ra sao? Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây về Phan Thị Kim Phúc – cô gái trong bức ảnh.
Nạn Nhân Của Chiến Tranh
Câu chuyện xảy ra vào ngày 8/6/1972, cách đây 40 năm, tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Vào thời gian ấy, chiến tranh lan rộng tại Việt Nam. Cùng lúc đó, cuộc thương thảo về việc đình chiến tại Việt Nam đang diễn ra tại Paris. Tại miền Nam có tin đồn khi Hiệp Định Paris ký kết, chính phủ mỗi bên sẽ giữ phần đất mà mình đã chiếm được. Đa số dân chúng tại miền Nam do đó tìm cách di tản khỏi vùng có chiến cuộc.
Cuối tháng 3 năm 1972, Quân Đội Nhân Dân Việt Nam bắt đầu tấn công miền Nam. Tháng 4 năm 1972, Đông Hà, Quảng Trị, Đắc Tô, Tân Cảnh, Lộc Ninh lần lượt thất thủ. Kon Tum và An Lộc bị bao vây. Tại Trảng Bàng, Tây Ninh, tranh chiến đang diễn ra.
Phan Thị Kim Phúc, lúc đó mới 9 tuổi, cùng gia đình, không di tản khỏi thị trấn nhưng đã đến trú ẩn tại một thánh thất Cao Đài gần đó. Khi hai bên giao tranh, bộ binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa yêu cầu không quân yểm trợ. Một số bom napalm đã được thả xuống Trảng Bàng. Kim Phúc, cùng một số người trong gia đình bị phỏng nặng. Cô bé và những người thân chạy ra khỏi thị trấn.
Một số phóng viên chiến trường của các hãng thông tấn quốc tế đang quan sát bên ngoài thị trấn. Phóng viên Huỳnh Công Út, làm việc cho AP, đã chụp một số hình các nạn nhân chiến tranh chạy trên đường; trong đó có hình của Phan Thị Kim Phúc.
Các phóng viên có mặt tại đó tìm cách giúp cô bé bằng cách tưới nước trên vết thương. Sau đó, phóng viên Huỳnh Công Út đã dùng xe của AP đưa cô bé đến bệnh viện Củ Chi tạm thời điều trị. Ngày 9 tháng 6, từ Củ Chi, Phan Thị Kim Phúc được chuyển đến Bệnh Viện Nhi Đồng tại Sài Gòn. Ngày 10 tháng 6, với sự vận động của các phóng viên ngoại quốc, Kim Phúc được chuyển đến Trung Tâm Giải Phẩu Chỉnh Hình (Center for Plastic and Reconstructive Surgery), do Bác sĩ Arthur Joseph Barsky, một nhà giải phẩu từng chữa trị cho nạn nhân của bom nguyên tử tại Hisoshima, thành lập tại Sài Gòn.
Trong 14 tháng kế tiếp, Kim Phúc trải qua 17 lần giải phẩu. Bác sĩ Mark Gorney, một chuyên gia về chỉnh hình tại San Francisco đến Sài Gòn, chữa trị cho cô bé. Sau đó, Kim Phúc trở về sống với gia đình tại Trảng Bàng. Các phóng viên thỉnh thoảng đến thăm gia đình cô bé cho đến tháng 4 năm 1975.
Nạn Nhân Của Sự Tuyên Truyền
Từ khi được AP phát hành, bức hình cô bé bị phỏng bom napalm đã được sử dụng để tuyên truyền cho những mục đích khác nhau. Các phóng viên đã dùng bức ảnh cho những mục đích trong nghề nghiệp của mình. Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa dùng bức ảnh như là một bằng chứng về tội ác chiến tranh. Những người chống chiến tranh có thêm lý do để kêu gọi chiến tranh Việt Nam phải được chấm dứt. Tháng Giêng năm 1973, Hiệp Định Paris được ký kết. Hơn hai năm sau, chiến tranh Việt Nam kết thúc vào tháng Tư năm 1975.
Khi chiến tranh kết thúc, gia đình của cha mẹ Kim Phúc, như đa số nhiều gia đình Việt Nam khác phải vật lộn với nhiều khó khăn để sinh sống.
Một trong những phóng viên đã đến thăm gia đình Kim Phúc trước năm 1975 là ký giả Perry Kretz, người Hòa Lan, làm việc cho tạp chí Stern tại Tây Đức. Nhiều năm trôi qua từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, hình ảnh của cô bé trong bức tranh vẫn còn ghi khắc trong tâm trí Kretz. Nhớ lại những đau đớn của cô bé, Kretz muốn làm một điều gì đó giúp Kim Phúc. Với ý định đó, Kretz liên lạc với văn phòng đại diện của chính quyền Việt Nam tại Born hỏi thăm số phận của cô bé bây giờ ra sao.
Sau khi nhận được yêu cầu của Kretz, chính quyền Việt Nam đi tìm Kim Phúc. Sau khi tìm được Kim Phúc, một lần nữa, Kim Phúc đã được dùng như là một bằng chứng sống về tội ác trong chiến tranh Việt Nam. Hằng tuần, Kim Phúc phải gặp những phóng viên ngoại quốc, và bị buộc phải trả lời những câu hỏi phỏng vấn theo ý của chính quyền địa phương.
Kinh nghiệm những đau thương mất mát trong chiến tranh, Kim Phúc ước mơ học y khoa với hy vọng sau khi tốt nghiệp sẽ có thể góp phần trong việc chữa trị những đau thương cho những người khác. Kim Phúc thi đại học hai lần; lần đầu rớt, phải theo học Đại Học Dự Bị tại Tiền Giang, lần sau cô đủ điểm đậu vào trường Đại Học Y Khoa tại Thành Phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, con đường học vấn của Kim Phúc không dễ dàng, những đau thương trên thân thể lẫn tinh thần, những khó khăn chồng chất trong cuộc sống, cộng với áp lực phải cộng tác với chính quyền tạo nên những gánh nặng không dễ vượt qua. Tinh thần suy sụp, có lúc Kim Phúc không còn muốn sống nữa.
Trong thời gian theo học tại Sài Gòn, Kim Phúc sống với người chị ruột, vừa tái giá. Một người bạn của người anh rễ đã qua đời là một truyền đạo phụ tá cho Mục sư Hồ Hiếu Hạ tại Hội Thánh Tin Lành Trần Cao Vân. Nhà của người chị Kim Phúc rất gần nhà thờ Trần Cao Vân. Vị truyền đạo này thỉnh thoảng đến thăm gia đình, tặng Kinh Thánh cho Kim Phúc và giới thiệu Chúa cho Kim Phúc. Khi biết những gánh nặng của Kim Phúc, vị truyền đạo này mời cô đi nhà thờ và khuyên cô hãy cầu nguyện trình dâng những gánh nặng của mình cho Chúa. Sau một thời gian tìm hiểu Chúa, Kim Phúc tiếp nhận Chúa vào lễ Giáng Sinh năm 1982 tại nhà thờ Tin Lành Trần Cao Vân. Một thời gian sau, cô làm lễ Báp-têm tại nhà thờ Tin Lành Trần Hưng Đạo.
Sau khi tin Chúa, cuộc sống của Kim Phúc có nhiều biến chuyển. Khi được chính quyền Việt Nam cho biết đã tìm được Kim Phúc, năm 1984 Perry Kretz đã sang Việt Nam. Ông xin phép mang Kim Phúc sang Tây Đức để điều trị những vết thương cho cô. Chính quyền Việt Nam chấp thuận cho Kim Phúc được sang Tây Đức điều trị ngắn hạn. Trong thời gian tại Đức, báo chí Đức viết nhiều về Kim Phúc. Từ Đức trở về, Kim Phúc ghé Hà Nội. Tại đây, cô được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông trở thành người đỡ đầu cho Kim Phúc và đã giúp cô sang Cuba du học vào năm 1986.
Khi đến La Havana, Kim Phúc dự định học Dược Khoa, nhưng sau đó cô chuyển sang học ngoại ngữ chuyên về Anh Văn. Năm 1989, trong thời gian ở Cuba, báo Los Angeles Times đã sắp đặt cho Kim Phúc gặp lại phóng viên Huỳnh Công Út, người đã chụp hình và tìm cách giúp chữa trị khi cô bị phỏng.
Một thời gian sau, Kim Phúc về thăm Việt Nam. Trong lần về thăm đó, Kim Phúc được biết ngôi nhà thờ nơi cô tiếp nhận Chúa đã bị chính quyền tịch thu. Vị Mục sư Hồ Hiếu Hạ, người quản nhiệm Hội Thánh, vẫn còn bị giam trong tù. Vị truyền đạo đã hướng dẫn cô tin Chúa cũng bị giam ba năm, vừa được thả tự do. Cũng trong lần về thăm đó, Kim Phúc đã trình bày đức tin nơi Chúa Giê-xu cho người đỡ đầu của cô.
Nhà thờ Tin Lành Trần Cao Vân sau khi bị tịch thu
(Ảnh Thư Viện Tin Lành)
Trong thời gian học tại Cuba, Kim Phúc quen một sinh viên Việt Nam đang theo học tại Đại Học Havana là Bùi Thanh Toàn. Sau vài năm tìm hiểu, cả hai đi đến hôn nhân vào mùa hè năm 1992. Theo lời khuyên của vài người bạn, cả hai đến Moscow hưởng tuần trăng mật. Khi từ Moscow trở về, lúc máy bay chuyển tiếp tại Gander, Newfoundland, Canada, Kim Phúc cùng chồng và một số người Cuba trên chuyến bay đó đã xin tỵ nạn tại Canada. Yêu cầu đó đã được chính phủ Canada chấp nhận.
Sứ Giả Của Sự Hòa Giải
Cô Phan Thị Kim Phúc – UNESCO Goodwill Ambassador
(Ảnh Thư Viện Tin Lành)
Tại Canada, đôi vợ chồng trẻ bắt đầu cuộc sống mới cách thầm lặng. Họ sinh được hai người con trai. Các tín hữu Tin Lành Quarker đã tìm cách giúp gia đình cô trong những năm đầu tiên. Năm 1995, chính phủ Canada chấp thuận cho gia đình Kim Phúc hưởng quy chế thường trú nhân. Đến năm 1997, Kim Phúc thi đậu quốc tịch và chính thức trở thành công dân Canada.
Năm 1995 kỷ niệm 20 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc. Cuốn phim tài liệu Kim’s Story: The Road from Vietnam bắt đầu được thực hiện tại Canada. Khi biết cô bé trong bức tranh hiện đang sống tại Canada, các phóng viên ngoại quốc đã tìm đến phỏng vấn.
Năm 1996, Kim Phúc được mời đến dự lễ tưởng niệm các cựu chiến binh Hoa Kỳ tại Việt Nam ở Washington D.C. Trong bài phát biểu, Kim Phúc cho biết cô không muốn nói về chiến tranh vì chúng ta không thể thay đổi được lịch sử, nhưng cô phải nhắc lại những thảm họa của chiến tranh với hy vọng việc đánh giết nhau tại nhiều nơi trên thế giới sẽ được chấm dứt. Kim Phúc cho biết Chúa đã cứu cô, ban cho cô đức tin và hy vọng. Chúa dạy cô tha thứ và làm người giải hòa. Nếu cô có dịp gặp lại người phi công đã ném những trái bom napalm tại Trảng Bàng, cô sẵn sàng tha thứ.
Cuối buổi lễ, John Plummer, một cựu sĩ quan Hoa Kỳ phục vụ tại Việt Nam, hiện làm mục sư cho một nhà thờ Giám Lý nhỏ tại một vùng quê ở Purcellville, Virginia, xin gặp Kim Phúc. John Plummer cho biết ông làm việc tại phi trường Biên Hòa trong thời gian ấy và ông là người đã phối trí cho Không Quân Việt Nam và Không Quân Hoa Kỳ thả bom khoảng 190 phi vụ mỗi ngày. John Plummer đã làm theo lời yêu cầu của viên cố vấn Mỹ trong toán quân của Việt Nam Cộng Hòa để máy bay thả bom napalm xuống Trảng Bàng vào ngày 8/6/1972. Vài ngày sau vụ ném bom, John Plummer đọc báo biết được chuyện đã xảy ra. Tâm hồn John Plummer bị dằn vặt từ lúc đó. Từ Việt Nam trở về, John Plummer suy sụp tinh thần, phải dùng rượu, ma túy, ly dị hai lần; mãi cho đến khi Chúa cứu ông và đem ông vào chức vụ. John Plummer xin Kim Phúc tha thứ. Khi nghe những lời trình bày đó, Kim Phúc và John Plummer đã qùy gối cùng nhau cầu nguyện. Cả hai cùng khóc trong cảm động vì những dằn vặt trong quá khứ được cất bỏ. Và điều đáng ngạc nhiên là khi sự việc xảy ra, cả hai là những người xa cách Chúa, nhưng bây giờ cả hai là anh em trong Chúa.
Việc John Plummer nhìn nhận trách nhiệm về việc ném bom tại Trảng Bàng khiến một số người đặt vấn đề. Một số phóng viên ngoại quốc cho rằng với chính sách Việt Nam Hóa Chiến Tranh, và tại thời điểm mùa hè 1972, phần lớn quân đội Hoa Kỳ đã rút khỏi Việt Nam, việc có cố vấn Mỹ tham chiến với binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa là việc khó có thể xảy ra. Thượng cấp của John Plummer cũng cho biết với cấp bậc đại úy và chức vụ của John Plummer, ông không có thẩm quyền để quyết định ném bom như thế. Tuy nhiên, một số khác cho rằng Không Quân Hoa Kỳ vẫn có nhân viên làm việc chung với Không Quân Việt Nam trong thời gian đó.
Trong lời phát biểu được phát thanh trên National Public Radio tại Hoa Kỳ, Kim Phúc cho biết: “Tha thứ khiến tôi được thoát khỏi khỏi hận thù. Dầu tôi vẫn có những vết thương trên thân mình, và đau đớn gần như mỗi ngày, nhưng tâm hồn tôi thanh thản. Napalm rất mạnh nhưng đức tin, sự tha thứ và tình yêu mạnh hơn. Chúng ta sẽ không bao giờ có chiến tranh nếu mọi người có thế học để sống với tình yêu chân thật, hy vọng và tha thứ.”
Một trong những người đã xem cuốn phim tài liệu Kim’s Story: The Road from Vietnam là đại diện của Canada tại United Nation Education, Science, and Cultural Organization (UNESCO). Vị đại diện này rất xúc động khi Kim Phúc nhắc đến sự giải hòa, đặc biệt cảnh cô gặp Mục sư John Plummer.
Ngày 10 tháng 11 năm 1997, Kim Phúc được Liên Hiệp Quốc mời làm Đại Sứ Thiện Chí (Goodwill Ambassador). Cô được bổ nhiệm với trách nhiệm “truyền bá sứ điệp giải hòa, cảm thông nhau, dùng đối thoại và thương thảo thay vì gây hấn và bạo lực, …” Đây là một chức vụ tình nguyện. Trong chức vụ mới, Kim Phúc có dịp đi nhiều nơi, gặp gỡ và nói chuyện với nhiều người, từ những nạn nhân của chiến tranh, các sinh viên đại học, những doanh nhân, những lãnh đạo công ty đến những lãnh đạo của quốc gia.
Bên cạnh trách nhiệm đó, Kim Phúc đã cùng Ron Gibbs, người đã vận động thành lập đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ Tại Việt Nam ở Washington D.C., đã thành lập Kim Foundation. Kim Foundation là cơ quan gây quỹ để giúp các trẻ em là nạn nhân trong chiến tranh. Kim Foundation có trụ sở tại Toronto, Canada và Chicago, IL.
Kim Phúc Phỏng Vấn Với Đài Truyền Hình Nzone – New Zealand
Cô Kim Phúc có lẽ là người Việt đầu tiên làm Đại Sứ Thiện Chí cho Liên Hiệp Quốc. Cô đã làm công việc này được 15 năm. “Phước cho những người hòa giải, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời.” (Ma-thi-ơ 5:9). Kim Phúc không chỉ là Đại Sứ Thiện Chí của Liên Hiệp Quốc, nhưng cô là con của Đức Chúa Trời, là sứ giả mang lại hòa bình. Kim Phúc tiếp nhận Chúa được 30 năm. Khi đi đây đó làm công tác thiện nguyện, cô cũng dùng những cơ hội có được để làm chứng tình yêu của Chúa cho những người chưa tiếp nhận Chúa, trong đó có lãnh đạo của một vài quốc gia. Kim Phúc cho biết: “Chính những ngọn lửa từ bom đã đốt cháy thân thể tôi. Chính tài năng của các bác sĩ đã nối lại những mảnh da cho tôi. Nhưng chính quyền năng tình yêu của Đức Chúa Trời đã chữa lành tâm hồn tôi.”
Còn chồng cô, một thanh niên cộng sản, cương quyết không chịu tin Chúa khi hai người yêu nhau; giờ đây anh Bùi Thanh Toàn đã học thần học và sẽ trở thành một mục sư.
Mục sư Bùi Thanh Toàn và Phan Thị Kim Phúc
Châu Thanh