Trong tháng 5, rất nhiều nhà thờ công giáo tại Việt Nam có tập tục truyền thống, đó là bà con giáo dân với lời ca tiếng hát, đều tiến lên dâng hoa chúc tụng cảm tạ và mừng kính Mẹ. Truyền thống đạo đức này đã có từ rất xưa. Nó xuất phát từ lòng mến mộ bình dân đối với Đức Mẹ. Con cái Mẹ, thì muốn tỏ lòng kính yêu Mẹ, một người Mẹ gần gũi, chăm chú đến từng người con, nhất là những đứa con yếu đuối, bệnh tật, nghèo hèn. Dâng hoa cho Đức Mẹ là một nghĩa cử thật đẹp và mang nhiều ý nghĩa để tôn vinh Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội và cũng là Mẹ mỗi người chúng ta.
Tháng Năm là thời điểm chuyển giao của mùa xuân và mùa hè, là thời điểm muôn hoa đua nở, vạn vật tràn đầy sức sống và màu sắc.
Vào những thế kỷ đầu của kỷ nguyên Công giáo, hàng năm khi tháng Năm về, người Rôma đón mừng sự thức giấc sau mùa đông dài của thiên nhiên bằng việc tổ chức gọi những ngày lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân.
Truyền thống dâng lên Đức Mẹ những đoá hoa tươi thắm dần được thiết lập qua dòng thời gian. Các tín hữu Công giáo trong các xứ đạo đã thánh hóa tập tục trên khi tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú.
Các tín hữu Công giáo đã mựơn chính những cảnh sắc thiên nhiên, những đoá hoa tươi đẹp đó để như gói ghém trọn tâm tình của mình dâng lên Đức Mẹ. Người ta đi cắt các cành cây xanh tươi đang nở hoa, đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và đặc biệt các bàn thờ dâng kính Đức Mẹ.
Từ thế kỷ XIII, một vài xứ đạo ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã dâng tháng 5 để tổ chức những cuộc rước hoa, để đem hoa đến dâng kính Đức Mẹ. Nhiều văn nghệ sĩ đã sáng tác các bài ca dùng màu sắc và hương hoa để diễn tả tâm tình con thảo ca tụng các đức tính cao quý của Đức Maria.
Đến thế kỷ 14, Cha Henri Suzo (OP), vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và dâng hoa trang hoàng thánh tượng Đức Mẹ.
Vào ngày 1 tháng 5 hằng năm, thánh Philipe de Neri thường tập họp các trẻ em Công giáo đến quanh bàn thờ Đức Mẹ để dâng lên Đức Mẹ những bông hoa tươi thắm đầy hương sắc. Cùng các bông hoa mùa xuân, thánh nhân cũng dâng cho Đức Mẹ các nhân đức cao đẹp còn ẩn náu trong tâm hồn thơ trẻ của chúng.
Đầu thế kỷ XVII, tại vùng Napoli nước Ý, trong thánh đường kính thánh Clara của các nữ tu Dòng Phanxicô, tháng kính Đức Mẹ được cử hành cách long trọng: Mỗi buổi chiều đều có hát kính Đức Mẹ, ban phép lành Mình Thánh Chúa. Từ ngày đó, tháng kính Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng khắp các giáo xứ trong vùng.
Các linh mục dòng Tên đã tổ chức tháng hoa kính Đức Mẹ trong trường lưu trú của các sinh viên học sinh của Dòng từ các nơi gởi về Roma để được đào tạo. Mãn khóa học, các sinh viên này, khi trở về quê nhà đã đem theo thói quen và cách tổ chức Tháng Hoa ở Roma truyền bá ra. Vì thế mà tập tục này được phát triển rộng khắp. Vào năm 1654, cha Nadasi (SJ) đã xuất bản tập sách nhỏ kêu gọi giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ.
Tới đầu thế kỷ XIX, trong Giáo việc tổ chức tháng kính Đức Mẹ đã được tổ chức cách long trọng. Các nhà thờ chính có linh mục giảng thuyết, và gần như lấy thời gian sau mùa chay là thời gian chính thức để tôn kính Đức Mẹ.
Năm 1815, Đức Thánh Cha Piô VII đã khuyến khích việc tôn sung Đức Maria trong tháng Năm. Đức Piô IX đã ban ơn toàn xá cho những ai tham dự việc đạo đức này năm 1889. Đức Thánh Cha Piô XII, trong Thông điệp “Đấng Trung gian Thiên Chúa”, nhấn mạnh “việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ”.
Và năm 1965, Đức Thánh Cha Phaolô VI gửi Tông huấn đề cao lòng tôn sung Đức Mẹ Maria trong tháng 5. Qua đó, ngài cũng nêu lên những giá trị cao quý của việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm: “Tháng Năm là tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng. Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ những tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai toà rất dồi dào của Đức Mẹ” (Tông huấn về việc tôn kính Đức Mẹ, số I).
Đức Thánh Cha Phaolô VI cũng đã đặt lại chỗ đứng của việc tôn kính Đức Mẹ Maria, nghĩa là việc tôn kính Mẹ Maria phải được đặt vào trong tương quan của mầu nhiệm ơn cứu rỗi, việc tôn kính Đức Mẹ phải được đi đôi với những mầu nhiệm trong cuộc đời của Đức Kitô. Việc tôn kính Mẹ Maria trong tháng Năm là một truyền thống tốt đẹp, nhưng nhờ Mẹ Maria để đến với Chúa, cùng đích của mọi việc tôn thờ là chính Chúa. Trong niềm hiếu thảo đối với Mẹ Maria, người Kitô hữu luôn được mời gọi để không ngừng kết hiệp với Chúa. Người Kitô hữu không nhìn lên Mẹ Maria như một Nữ Thần, mà là một tín hữu mẫu mực, một người tín hữu đã tiên phong trong cuộc hành trình đức tin.
Tháng Hoa về, khắp các nhà thờ Công giáo ở Việt Nam, dù tại các thành thị hay miền nông thôn xa xôi, những tâm tình dâng lên Đức Maria Mẹ Thiên Chúa vẫn thật nồng ấm. Các bản tiến hoa được dâng lên Đức Mẹ cách long trọng. Có những đội hoa hàng mấy trăm người. Nhờ đó, lòng tôn sùng và yêu mến Đức Mẹ được cổ võ và thăng tiến./.
Thiên Ân
Nguồn: ubdkcgvn.org.vn