1. Lời kinh “tôn kính” Đức Maria
Có lẽ từ khá lâu, người Kitô hữu thường nghĩ rằng Kinh Mân Côi là lời kinh tôn kính đức Maria, theo nghĩa như một lời chúc tụng dâng lên Mẹ. Tuy nhiên, từ Công Đồng Vatican II, chúng ta hiểu rằng Đức Maria là thành phần trong Gíao Hội, hay đức Maria chính là hình ảnh tiên trưng của Gíao Hội. Do đó, việc tôn kính Đức Maria, một cách căn bản, không còn có nghĩa chính yếu là đặt đức Mẹ trên bàn thờ, bên trên Gíao Hội, để ca tụng Mẹ và xin Mẹ bố thí cho một vài ơn huệ nào đấy. Với đường hướng của Vatican II, chúng ta hiểu rằng những gì Chúa ban cho Mẹ cũng là những điều Chúa hứa ban cho Giáo Hội. Những hồng ân của Mẹ không bao giờ là những hồng ân hoàn toàn riêng, giữ riêng, xài riêng; nhưng là hồng ân trong mầu nhiệm “hiệp thông các thánh”; nghĩa là Mẹ nhận hồng ân vì Giáo Hội và cho Giáo Hội, vì Đức Mẹ ở trong Giáo Hội. Như thế, việc tôn kính đích thực đối với Đức Maria, trước tiên, chính là ca tụng Thiên Chúa vì những hồng ân mà Chúa đã và đang ban cho Giáo Hội, cho chúng ta, qua Mẹ Maria; việc tôn kính ấy cũng là cùng với Mẹ để hiệp thông trong những hồng ân kỳ diệu của Chúa; tôn kính Mẹ Maria có nghĩa là học sống theo hình ảnh tiên trưng của Giáo Hội, sống thái độ của Đức Maria.
Như thế, ta cũng có thể nói được rằng, ý nghĩa chính yếu của kinh Mân Côi cũng không phải là những lời ca tụng Mẹ cho bằng là cùng với Mẹ để bước theo Chúa Kitô; hay cùng với Mẹ để kết hiệp với Đức Kitô trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa. Nói cách khác, Kinh Mân Côi là lời kinh giúp ta sống mầu nhiệm Giáo Hội theo hành trình của đức Maria; hay lời kinh giúp ta sống đời sống thường ngày của mình như một lịch sử cứu độ.
Trong chiều hướng ấy, chúng ta nhận ra đây là lời kinh tràn đầy tự do và sáng tạo; tự do bằng cách sống tâm tình “bằng hữu” với Mẹ Maria để lắng nghe Thánh Ý Chúa như đức Maria; và sáng tạo cuộc đời mình bằng thái độ tự nguyện dấn thân vào lịch sử cứu độ mà Chúa muốn dẫn dắt chính bản thân mình.
2. “Lời kinh” của Đức Maria
Có thể nói được lời kinh của Mẹ Maria, lời kinh được nhắc đi nhắc lại trong Kinh Thánh như thái độ căn bản của Mẹ Maria trước nhiệm cục cứu độ, lời kinh dẫn dắt cuộc đời của Mẹ, lời kinh đó chính là lời “ ghi nhớ và suy niệm trong lòng ” [Lc 2, 19…]. “Lời kinh” này không phải là một chuyện đơn lẻ trong tâm tính của đức Maria mà thôi, nhưng nằm trong toàn bộ bầu khí mới của nhiệm cục cứu độ mà ta có thể nói đó là thái độ đặc trưng Giáo Hội, của mọi người Kitô.
· Lời kinh ấy diễn tả thái độ của người được Thiên Chúa mời gọi [2.1],
· Thái độ của người tin vào nhiệm cục Thiên Chúa dẫn dắt [2.2],
· Thái độ của một người chủ động và tự do đáp lại lời mời gọi bước theo nẻo đường của Thiên Chúa [2.3] .
2.1 Người được mời gọi :
Lịch sử cứu độ bước sang giai đoạn mới với một thái độ “khác lạ” của Thiên Chúa : Thiên Chúa ngỏ lời với con người và là một người phụ nữ. Biến cố này chính là bầu khí mới của nhiệm cục cứu độ. Từ đây, Thiên Chúa không muốn khẳng định uy quyền của Ngài uy quyền cao cả, bằng kỳ công dấu lạ, nhưng bằng lời ngỏ đến với tâm hồn con người. Cách thức này bộc lộ một sự tôn trọng sâu xa của Thiên Chúa với “người đối tác” và cũng mời gọi phía đối tác sống trọn vẹn phẩm giá của một con người tự do; mời gọi thái độ tự nguyện đáp lời bằng một sự sẵn sàng của toàn thể con người.
2.2 Đức Maria, kẻ đã tin :
Để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, con người được mời gọi để tin. Đức Tin là hồng ân của Chúa ban, nhưng lại không phải là chuyện ăn sẵn, không phải là điều hiển nhiên theo quan điểm triết lý hoặc do sự minh chứng khoa học. Tác giả thư Do Thái nói : “ Đức Tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy ” [Dt 11,1]. Đức Tin luôn luôn là một bước nhẩy, là một sự vượt qua từ “những điều ta không thấy” để đến với thực tại cứu độ lù lù ra đó, đôi khi dưới dáng vẻ ngược đời. Chính Đức Tin là yếu tố căn bản trong thái độ của Mẹ Maria
“Phúc cho người là kẻ đã tin rằng viên thành sẽ đến cho mọi điều Chúa truyền phán dạy cho người” [Lc 1, 45].
2.3 Lời “Xin vâng” :
Nhưng tin ở đây không phải chỉ là chấp nhận, phải chấp nhận một chân lý từ trên trời rớt xuống, mà còn là dấn thân vào nẻo đường Thiên Chúa dẫn dắt, dấn thân vào nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa. Có thể nói, thái độ của niềm tin luôn cần bộc lộ ra một chút dấn thân, một chút sẵn sàng trước những biến cố của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã tuyên bố : “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” [Lc 8,21].
***
Nói cách khác, chính khi được Thiên Chúa mời gọi, khi đáp lại bằng quyết định “xin vâng” và từ bỏ chương trình riêng của mình để dấn thân theo nẻo đường của Thánh ý Thiên Chúa bằng suốt cả cuộc đời, khi ấy, Đức Maria mở ra một nẻo đường căn bản để sống sự công chính mới, nẻo đường để đi vào nhiệm cục mới của ơn cứu độ .
Tuy nhiên, tất cả nẻo đường ấy dường như được nuôi dưỡng bằng thái độ “ghi nhớ và suy niệm trong lòng”, mà ta có thể nói là lời kinh đặc biệt của đức Maria; hoặc ta cũng có thể nói ngược lại rằng thái độ “ghi nhớ và suy niệm trong lòng” là hoa trái đặc trưng của nẻo đường công chính mới. Thái độ Maria như thế chính là thái độ căn bản, thái độ đặc trưng của người tín hữu Kitô giáo.
3. Lời kinh của người Kitô hữu
3.1 Trước hết là cuộc sống :
Trong lời kinh Mân Côi, chúng ta sống thái độ của Đức Maria, thái độ “ghi nhớ và suy niệm trong lòng”, nghĩa là sống những biến cố trong cuộc đời mình trong thái độ sẵn sàng tìm kiếm, lắng nghe, chấp nhận lời đề nghị của Thiên Chúa. Do đó, Kinh Mân Côi cũng là lời kinh của niềm tin Kitô hữu, lời kinh của sự dấn thân, lời kinh bước theo chân Mẹ, để có thể tìm thấy ý nghĩa siêu nhiên trong chính hành trình cuộc đời mình. Để sống lời kinh này, chúng ta không thể bỏ quên đời sống con người . Trong lịch sử ơn cứu độ nói chung và trong cuộc đời người Kitô hữu, yếu tố đời sống, yếu tố “lịch sử” là những điều không thể không có phần trong nhiệm cục cứu độ; đời sống chính là những dữ kiện căn bản của niềm tin, là chất liệu của đời sống tâm linh chân chính.
3.2 Lời kinh của toàn thể con người :
Con người là một huyền nhiệm, hay nói cách tiêu cực, con người thật là phức tạp. Trong cuộc sống con người, chúng ta có thể thấy biết bao nhiêu điều kỳ dị hoặc quái dị; trong mỗi con người; chúng ta cũng không khó để thấy những điều mâu thuẫn : có những người nói một đàng, dù nói với tất cả xác tín của mình, nhưng lại làm một nẻo, một nẻo đường trái ngược; có những người lúc sống thế này, sống theo vai trò, chu toàn nhiệm vụ, nhưng lúc khác lại sống thế khác, sống như một kẻ phá bĩnh; có những người tha thiết muốn tốt nhưng vẫn cứ dầm dề trong những thói quen tệ hại một cách kỳ lạ… Không nói tới những người giả hình, ngay đối với những người thành tâm, xác tín nhất, chúng ta cũng có thể thấy nơi họ sự phức tạp, thậm chí những mẫu thuẫn.
Những điều đó là một thực tế của thân phận con người, và chúng bộc lộ cho thấy sự tính cách giới hạn, hoặc hé cho thấy sự thất bại của một lối nhìn duy-tri-thức hoặc lối sống duy-ý-chí. Kẻ ngây thơ tưởng rằng chỉ cần dạy cho người ta biết chân lý là họ có thể sống tốt; người anh hùng lại dễ cho rằng chỉ cần nêu lên những mẫu gương đạo đức là có thể thúc đẩy ý chí của con người để vượt qua cám dỗ… Thánh Phaolô nói rằng : “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” [Rm 7,19] …..
Đời sống con người là cả một hành trình; sự trưởng thành của con người luôn là những tiến triển từng bước; biến cố hoán cải của con người cũng chẳng phải là chuyện tự nhiên trên trời rớt xuống; hành trình căn bản của đời người luôn bao gồm, dính dáng đến cả một tổng thể lý trí, ý chí, tình cảm, lối sống, lý tưởng… mà các yếu tố ấy luôn tương tác, giằng co thúc đẩy lẫn nhau. Chính vì thế, sự thành đạt của một vận mạng con người luôn có tính lịch sử, nghĩa là qua từng bước trăn trở, vượt qua; và đời sống Đức Tin Kitô giáo chắc chắn cũng mang tính lịch sử, nghĩa là cuộc hành trình cùng với Chúa qua từng biến cố, qua những vui buồn, qua những cả những trầy trật trên đường đời, đến nỗi ta có thể khẳng định rằng một đời sống Kitô hữu mà không có một kỷ niệm nào với Chúa thì chẳng phải là một đời sống Kitô hữu chân chính .
Trong ý nghĩa đó, Kinh Mân Côi, cũng như tất cả những lời kinh, phụng vụ, phương pháp tâm linh nào khác…, không nên bị biến thành kiểu cầu xin những ơn thuần túy thuộc lọai “ơn làm sẵn”, “ơn ăn liền” [được khỏe mạnh, được hòa thuận…]; nhưng tốt nhất là những lời kính của thái độ thiện chí dấn thân [xin can đảm hơn, xin quảng đại hơn, xin .hắng hái hơn…].
Như thế, đọc kinh Mân Côi chính là sống thái độ nói lên thiện chí, bầy tỏ lòng khao khát, thể hiện một bước trong cuộc hành trình … Đó là cách thức nhắc nhủ mình, và mở lòng để chính tâm tình của Mẹ Maria đi vào trong tâm hồn mình. Nói cách khác, trong Kinh Mân Côi, thái độ của chúng ta không phải là “đọc”, cũng không phải chỉ là “suy” nhưng còn là “niệm”. Như thế, ta có thể sống tâm tình “ghi nhớ và suy niệm” cùng với đức Maria một cách liên lỉ trong một quá trình dài của cuộc sống, chuẩn bị sẵn sàng để nói lời xin vâng và dấn thân vào nẻo đường Chúa dẫn dắt.
3.3 Vài đề nghị cụ thể về việc đọc Kinh Mân Côi :
Từ những suy niệm trên, xin được phác thảo một vài bước thực tiễn trong việc đọc Kinh Mân Côi. Đây chỉ là một chút gợi ý về một trong nhiều cách thức khác :
a. Trước tiên, luôn khởi đầu từ cuộc sống và những vấn đề thật trong cuộc sống của mình : tôi đang vác gánh nặng, tôi đang chán nản, cuộc sống của tôi thiếu gặp gỡ chân thành,…
b. Nhận ra, ít nhất là lúc hiện tại này, tôi cần phải có một thái độ nào, một tâm tình nào, một ý nghĩa nào, một sức mạnh nào…
c. Chọn lấy một mầu nhiệm tương đối thích hợp. Có thể dựa theo những gợi ý trong bản kinh chung của tín hữu Việt Nam; hoặc khám phá, “sáng tạo” một ý nghĩa theo nhu cầu và nhận định của mình, chẳng hạn : tôi đang khổ sở vì kinh tế gia đình hoặc đang bị cuốn hút trên con đường làm giầu, hãy chọn ngắm thứ Ba Mùa Vui để xin biết làm chủ tiền bạc hoặc được tìm thấy bình an ngay trong cảnh nghèo; tôi đang vướng tật xấu nghiện ngập, hãy chọn thứ thứ Năm Mùa Thương để xin hằng ngày cho tật xấu ấy chết đi; tôi chẳng biết bắt đầu lại từ đâu, hãy chọn ngắm thứ Nhất Mùa Thương với ý nguyện xin được cho biết tật xấu chính của đời tôi là gì; tôi thường làm khổ người khác, hãy chọn ngắm thứ Hai Mùa Thương để xin biết nhậy cảm với nỗi đau của tha nhân; nếu tôi luôn buồn chán, hãy chọn ngắm thứ Hai Mùa Mừng để xin được nhận ra những dấu chỉ Nước Trời vẫn đang có trong cuộc sống hôm nay….
d. Khi đọc kinh Mân Côi, đừng quá quan trọng sự hợp lý, đừng thắc mắc cần phải nghĩ về lời kinh đang đọc nơi miệng hay cần suy những mầu nhiệm. Hãy để tâm hồn thanh thản và sống với ước nguyện đã chọn, xin Mẹ Maria giúp ta sống ước nguyện ấy để bước theo hành trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Với ước nguyện tha thiết ấy, bạn nghĩ tới điều gì cũng được, đọc thiếu kinh này lời nọ cũng chẳng sao.
e. Hãy trung thành với một chục kinh và mầu nhiệm đã chọn, có thể là 6 tháng, 3 năm, hoặc lâu hơn nữa…, cho tới khi nào nhận ra một “nhu cầu tâm linh khác” mà Chúa soi dẫn.
f. Đọc kinh Mân Côi như thế chính là bày tỏ tấm lòng khao khát, thể hiện một chút thiện chí…, và đó là sống thái độ mở, mở rộng để Đức Maria hướng dẫn và để Chúa thực hiện Thánh ý của Ngài.
Kết
Hành trình đời sống Kitô hữu, của tôi cũng như của các bạn, bình thường không phải là con đường bằng phẳng : có những lúc chúng ta chán nản, có những lần chúng ta mệt mỏi, có những hoàn cảnh làm chúng ta đau lòng, và nhất là có những tình huống mà chúng ta cảm thấy hòan toàn bất lực : bất lực vì những rằc rối khách quan hoặc bất lực vì chính sự xấu hoành hành trong bản thân mình. Trước bao nhiêu cảnh đời như thế, chúng ta thường muốn Chúa giải quyết ngay, hoặc chúng ta nỗ lực tìm mọi biện pháp để vượt qua, hoặc chúng ta thường xuyên lo âu xao xuyến, hoặc chúng ta buông xuôi…
Xin chia sẻ cùng các bạn “giải pháp” của tôi :
hãy “trân trọng - chờ đợi - và bình an”.
* Trân trọng : đừng chào thua tình huống ấy bằng những kiểu xuê xoa, dễ dãi, làm sao cũng được; bằng thái độ phản kháng không chấp nhận cuộc sống hoặc không chấp nhận giáo huấn của Chúa; bằng thái độ đổ tội cho người khác hoặc cho tập thể… Hãy trân trọng Tin Mừng, trân trọng giáo huấn của Gíao Hội, trân trọng qui định của cộng đoàn, trân trọng lời nhắc nhủ của cha mẹ… cho dù mình chưa thực hiện được.
* Chờ đợi : hãy tỏ bày thái độ tin tưởng và chờ đợi Chúa bằng một chút thiện chí của mình, thực hiện một chút dấn thân bằng một quyết định nhỏ nào đấy, trung thành với một cố gắng nhỏ nhoi nào đó mình có thể làm được. Phần còn lại, hãy phó thác vào tình thương của Chúa, hy vọng Chúa sẽ thực hiện ý muốn của Ngài, chờ đợi cách thức giải quyết của chính Chúa.
* Bình an : Với tấm lòng với Chúa như thế, một tấm lòng được thể hiện cụ thể, bạn hãy bình an và tin tưởng rằng Chúa vẫn cảm thông với mình, Chúa đang đồng hành với mình và chính Chúa, không phải mình, là Đấng giải quyết cuộc đời mình.
Tôi thường thể hiện thái độ “trân trọng – chờ đợi – bình an” ấy bằng lời Kinh Mân Côi, lời kinh có khả năng mở ra tới mọi vấn đề trong cuộc đời tôi, lời kinh thể hiện một chút tự nguyện dấn bước của tôi, lời kinh nhắc nhủ tôi chờ đợi việc Chúa làm trong đời tôi, và là lời kinh đều đặn, tha thiết mang lại nhịp độ bình an cho tâm hồn tôi.
Vâng, trong lời kinh này, chúng ta được trao đổi với Mẹ như một người bạn, người bạn dẫn dắt trong sự thân tình, trao đổi, chứ không phải chỉ là tôn kính một chiều. Đó là tình bạn của tự do và của sáng tạo. Trong lời kinh này, tôi được đi từng bước, có thể là những bước xiêu vẹo và ngã đổ, cùng với Chúa Giêsu là Đấng đã giao ước để đón nhận trọn cuộc đời tôi .
Kinh Mân Côi chính là những cánh cửa của Tin Mừng mở ra trước cuộc đời, những nẻo đường mà Đức Maria hướng dẫn chúng ta đi, những cánh cửa để Đức Giêsu đến với cuộc đời ta, những cánh cửa để Tin Mừng trở nên Tin Mừng ngày hôm nay, ở đây và lúc này…