Theo một tài liệu bằng tiếng Anh và cuốn Du lịch Lào Cai, do Sở Thương mại Du lịch Lào Cai xuất bản tháng 11/2004, thì tu viện Tà Phìn có lịch sử như sau: Cuối năm 1941, 12 nữ tu thuộc dòng tu nữ của Hội thánh Citô cải cách, những người chẳng có gì ngoài cầu nguyện và ăn chay, bị trục xuất ra khỏi Nhật Bản, 8 người trong số họ và một thầy dòng khác tình nguyện xin ở lại châu Á tiếp tục truyền Đạo. Ngày 18/02/1942, Đại sứ Pháp tại Nhật đã viết thư cho Giám mục giáo phận Hưng Hoá (địa bàn giáo phận Hưng Hoá gồm các tỉnh miền Tây Bắc, trong đó có Lào Cai) lúc đó là Đức cha Gustave Georges Vandaele Vạn (1874 – 1943), xin cho họ (những tu sĩ) được đến vùng này rao giảng Tin mừng.
Ngày 13/3/1942, quan Toàn quyền Bắc Kỳ ký một khế ước có giá trị lâu dài chuẩn y việc cấp cho đoàn nữ tu một khu đất bỏ hoang cạnh Trạm Nghiên cứu giống cây ăn quả Tà Phìn , với số tiền thuê tượng trưng là 1quan/năm. Ngày 11/6/1942, các chị lên Lào Cai và dựng một căn nhà gỗ tồi tàn, sống, sinh hoạt trong điều kiện hết sức khó khăn: mỗi người trong số họ chẳng có gì ngoài bộ đồ đang mặc trên người và 200 Yen.
Ngày 19/6 cùng năm, Tỉnh trưởng Pháp ở Lào Cai đồng ý cấp cho họ một đàn gia súc gia cầm làm giống, bao gồm: 8 con bò sữa, 9 con bê, 2 con bò đực, 2 con bò cái tơ, 1 con bò mộng, 24 con gà mái, 6 con lợn và một số nông cụ. Điều này nhằm mục đích phát triển đàn gia súc gia cầm của Sa Pa và bổ sung nguồn thực phẩm từ chăn nuôi như sữa tươi, bơ, pho mát phục vụ nhu cầu tiêu dùng và khách du lịch. Ngoài ra, các nữ tu khổ hạnh này còn tích cực tham gia vào việc nghiên cứu và phổ biến kỹ thuật canh tác các giống cây lương thực ôn đới như kiều mạch đen, đại mạch, cùng các loại cây ăn quả, khoai Tây, các loại rau và nho. Từ tháng 9/1942, trạm nghiên cứu thực nghiệm thuộc Tu viện nữ Tà Phìn đã sản xuất được các loại mứt táo, mứt đào và nhiều loại hoa quả khác. Và Tà Phìn đã nhanh chóng trở thành nơi cung cấp các loại hoa quả tươi chính cho thị trấn Sa Pa cũng như nhiều đơn đặt hàng khác dưới Hà Nội.
Tháng 8/1942, các công nhân bắt đầu tiến hành đào móng cho công trình tu viện mới sắp được xây dựng, dưới sự giám sát rất chặt chẽ của một đơn vị quân đội. Ngày 8/10/1942, Tu viện Tà Phìn được khởi công, có tên gọi là Tu viện Đức Nữ Đồng Trinh Hoà Bình. Theo thiết kế ban đầu đấy là một tu viện khá lớn, đủ khả năng cho 100 người sống, tĩnh tu và hành Đạo. Tuy nhiên, trong thực tế mới chỉ một phần của công trình được hoàn thành mà thôi. Kế hoạch xây dựng nhà khách, nhà Cha Tuyên uý cũng như nông trại đều chưa được thực hiện. Tới năm 1947, do tình hình an ninh bất ổn, đoàn nữ tu buộc phải di tản về Hà Nội, bỏ lại tu viện bị đốt phá hoang tàn.
DI TÍCH TU VIỆN TẢ PHÌN
Di tích Tu viện Tà Phìn hiện nay thuộc xã Tà Phìn , huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách thị trấn Sa Pa khoảng 10 km về phía bắc. Từ quốc lộ 4D, theo một con đường nhựa mới xây dựng, du khách sẽ lần lượt đi qua bản của người Mông, người Dao đỏ. Từ xa, giữa lưng chừng núi, tu viện hiện ra trơ trọi trên một ngọn đồi khá cao. Tới nơi, du khách có thể quan sát chi tiết toàn bộ di tích trong một khu đất rộng, giữa những lùm cây xanh tốt cao quá đầu người.
Tu viện (thực ra chỉ là một phần của công trình theo thiết kế ban đầu mà thôi) gồm một nhà ngang hướng mặt về phía tây, 5 gian và một cầu thang, cao 3 tầng (kể cả tầng trệt), tuy nhiên hiện nay do bị người ta san lấp nên chỉ có 2 tầng là ở trên mặt đất, còn tầng trệt thì nằm dưới sâu như thể một tầng hầm vậy. Nhà ngang này chính là chỗ ở, sinh hoạt của các nữ tu. Ngoài ra, bên phải của toà nhà còn có một nhà dọc nối liền với nhà ngang, đây có thể là nơi cất giữ lương thực thực phẩm, đồ đạc, và là “nhà bếp” của tu viện. Toàn bộ toà nhà hiện nay không còn phần mái, chỉ sót lại mấy ống khói (cũng có thể là lỗ thông hơi), một số bức tường nóc. Phía trước toà nhà là một hành lang khá rộng, dài, nhưng cũng đã bị phá huỷ, chỉ còn lại một ít cột hiên nhỏ, tròn, thấp khá nguyên vẹn.
Đi vào chi tiết, có thể nhận thấy tu viện chủ yếu được làm bằng đá và gạch, liên kết bằng vữa xi măng, rất chắc chắn. Tường được xây khá dày, tạo nên không khí trong tu viện vừa yên tĩnh vừa thâm nghiêm; mùa đông thì ấm áp mà mùa hè lại mát mẻ, rất phù hợp với khí hậu nơi đây. Cửa sổ hình bán nguyệt, theo kiến trúc Roman. Hệ thống ống dẫn nước được lắp đặt đến tận từng phòng, vì các phòng được xây dựng cách biệt nhau qua những bức tường kín, không có cửa thông, chỉ có cửa chính phía trước theo lối hành lang mà thôi. Theo quan sát thì không thấy phòng nào là dấu hiệu rõ ràng của nhà nguyện cả (vì nhà nguyện thường rộng, dài hơn các phòng còn lại), cũng có thể nó được xây dựng ở một toà nhà khác hoặc xây riêng biệt. Tuy nhiên, trên một bức tường ở gian giữa, chúng tôi phát hiện thấy một kiến trúc nhỏ, trông giống như Nhà Tạm, có thể đó là nơi đặt Mình Thánh Chúa.
Qua nhà dọc, nhìn kỹ lên mặt tường phía trước sẽ thấy rất rõ nhiều vết đạn còn in dấu. Chẳng biết đấy là hậu quả của những viên “đạn lạc” hay là những phát đạn có chủ đích? Ngoài ra trên đó còn sót lại một dòng chữ được sơn màu trắng, mất mấy chữ đầu và cuối, chỉ còn khúc giữa, nên chẳng biết toàn bộ nội dung của nó là gì. Bên cạnh nhà dọc này là một bể nước khá lớn, mới được xây dựng sau này, phục vụ cho nhu cầu tưới tiêu và sinh hoạt của những công nhân trồng Atisô.
Nhìn chung, không biết do sự vô tình của chiến tranh hay vì hữa ý của con người mà tu viện đã bị phá huỷ đi rất nhiều, lại lâu ngày bỏ hoang nên cây cối thi nhau mọc lên cả những bờ tường, cửa sổ. Dẫu vậy, chỉ cần quan sát những gì còn lại cũng đủ thấy được phần nào quy mô, tầm vóc và kiến trúc của công trình. Tạm biệt tu viện ra về trong một buổi chiều đầy hoài cổ, lòng tôi không khỏi vấn vương ý nghĩ: giá như nó được tu bổ và phục hồi lại thì hay biết mấy!?