Tự do tôn giáo, bắt nguồn từ chính phẩm giá của con người và hướng về việc tìm kiếm “chân lý bất di bất dịch”, chính là “sự tự do của các sự tự do”. Tự do tôn giáo đích thực là vậy khi gắn liền với việc tìm kiếm chân lý và với sự thật về con người.
Mô hình này cho chúng ta một tiêu chí căn bản để phân biệt hiện tượng tôn giáo và biểu hiện của hiện tượng này. Nó cho phép loại “tính tôn giáo” ra khỏi chủ nghĩa bảo thủ, khỏi việc khai thác và lèo lái chân lý, và chân lý về con người. Bởi vì tất cả những gì đi ngược lại với nhân phẩm, đi ngược lại việc tìm kiếm chân lý không thể được xem là tự do tôn giáo. Hơn nữa, mô hình này còn cho chúng ta có một cái nhìn thâm sâu về tự do tôn giáo, một cái nhìn mở rộng chân trời của tính nhân loại và của tự do của con người, cho phép con người thiết lập một quan hệ thâm sâu với chính mình, với người khác và với thế giới. Theo ý nghĩa này, tự do tôn giáo là một sự tự do vì phẩm giá và vì sự sống của con người.
Thực vậy, như các nghị phụ của Công đồng chung Vatican II đã dạy: “Con người, do sự quan phòng của Thiên Chúa, có thể mỗi ngày mỗi tiến tới chân lý bất di bất dịch. Bởi vậy, mỗi người đề có bổn phận và, do đó, có quyền tìm kiếm chân lý trong lĩnh vực tôn giáo” (xem Tuyên ngôn Dignitatis humanae [Phẩm giá con người], 3). Một ơn gọi cần phải được nhìn nhận như quyền căn bản của con người, điều kiện để phát triển toàn diện con người (Caritas in Veritate [Bác ái trong chân lý], 29) và điều kiện để thực hiện công ích và khẳng định hòa bình trong thế giới.
Như Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã khẳng định tại Hội nghị khoáng đại của Liên Hiệp Quốc: “Các quyền con người, dĩ nhiên, phải bao gồm quyền tự do tôn giáo, được hiểu như biểu hiện của một chiều kích vừa cá nhân vừa cộng đồng, viễn tượng làm nổi bật sự thống nhất của con người bằng cách phân biệt rõ ràng giữa chiều kích công dân và chiều kích tín hữu” (Diễn văn tại LHQ, 18-4-2008).
Chủ đề được chọn cho Ngày Thế giới Hòa bình năm 2011 là một trong những chủ đề có tính thời sự nhất và là sự hoàn tất của một “con đường tiến tới hòa bình” trên đó, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nắm tay nhân loại, từng bước một tiến tới một suy nghĩ mỗi ngày mỗi thêm sâu sắc. Từ 2006 tới ngày nay, sứ điệp đã đề cập đến các chủ đề sau: chân lý (“Hòa bình trong chân lý”, 2006), phẩm giá con người (“Con người, trung tâm của hòa bình”, 2007), sự thống nhất của gia đình nhân loại (“Gia đình nhân loại, cộng đồng hòa bình”, 2008), đấu tranh chống nghèo đói (“Đấu tranh chống nghèo đói, xây dựng hòa bình”, 2009), và cuối cùng, việc bảo vệ tạo vật (“Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình, hãy bảo vệ tạo vật”, 2010).
Một tiến trình, bắt nguồn trong ơn gọi tôn trọng sự thật về con người (capax Dei) và, xem nhân phẩm như sao bắc đẩu, đạt tới sự tự do tìm kiếm chính chân lý.
Ngày nay, các vùng trên thế giới áp dụng các hình thức giới hạn tự do tôn giáo đối với cộng đồng tín hữu thiểu số hay không, không nhiều; tuy nhiên, nơi các cộng đồng này phải chịu những hình thức giới hạn tự do tôn giáo dưới cái vỏ kỳ thị, phân biệt đối xử và gạt ra ngoài lề, trên bình diện văn hóa và trên bình diện tham gia vào đời sống công cộng dân sự và chính trị, thì nhiều. Như Đức Thánh Cha đã lưu ý: “Do đó, không thể tưởng tượng được rằng các tín hữu phải từ bỏ một phần của chính họ - niềm tin của họ - để có thể là những người công dân tích cực. Không bao giờ có thể đòi hỏi người ta phải chối bỏ Thiên Chúa để được hưởng các quyền lợi của mình. Cần phải bảo vệ nhiều hơn nữa các quyền gắn với tôn giáo nếu các quyền này bị xem như đi ngược lại với một ý thức hệ thế tục chiếm ưu thế hay với những lập trường tôn giáo của đa số, thuộc loại độc tôn” (Diễn văn tại LHQ).
Con người không thể bị xẻ vụn, tách biệt khỏi điều họ tin, bởi vì điều họ tin tưởng có một tác động trên cuộc đời và trên con người của họ. “Từ chối nhìn nhận là một đóng góp cho xã hội, một đóng góp vốn cắm rễ trong chiều kích tôn giáo và trong sự tìm kiếm Đấng Tuyệt đối –điều do bản tính diễn tả một sự hiệp thông giữa các con người –có nghĩa là ưu tiên chấp nhận trong thực tế một sự tiếp cận cá nhân chủ nghĩa và, khi làm như vậy, là xẻ thành từng khúc sự thống nhất của con người” (Diễn văn tại LHQ). Do đó: “Tự do tôn giáo, đường đi tới hòa bình”.