Nguyên nhân
Mỗi người là một cấu trúc riêng, về sinh lý, tâm lý và tinh thần. Cấu trúc riêng đó làm nên tính tình riêng. Tính tình riêng người này ngả mạnh về khuynh hướng này. Tính tình riêng người kia lại nghiêng chiều về hướng kia. Bá nhân bá tính. Mỗi người có những phần riêng tư của mình.
Ngoài ra, mỗi người là một lịch sử. Một lịch sử, mà nhiều giai đoạn. Mỗi giai đoạn đều mang theo những biến cố riêng. Mỗi biến cố đều để lại dấu vết, gây nên những chuyển biến trong con người, từ tình cảm đến tư tưởng. Với những chuyển biến đó, lịch sử của từng giai đoạn tác động không ngừng đến toàn thể con người từ sức khoẻ thể xác, đến sức khoẻ tâm linh, làm nên một động lực riêng.
Hơn nữa, nền giáo dục, phong hoá và nếp sống của tập thể hoặc giai cấp cũng ảnh hưởng nhiều đến tư duy của mỗi người, khiến họ có thể có những chọn lựa riêng, không giống những người khác.
Chính nhu cầu sống của mỗi người cũng thường phát sinh ra những tình cảm, ước muốn và tư tưởng riêng. Thí dụ để sống thì phải đấu tranh. Để đấu tranh có hiệu quả, thì phải phe phái, mưu cơ, đôi khi cần có lãnh tụ. Do đó mà họ có những chủ trương, đường lối riêng.
Trên đây chỉ là tóm lược rất vắn một số nguyên nhân thường dẫn tới phân hoá trong cộng đoàn.
Bây giờ, với cái khung đó, chúng ta nhìn vào Hội Thánh Việt Nam.
Chúng ta thấy mỗi miền Bắc, Trung, Nam đều có những nét riêng. Cũng thế, mỗi giáo phận cũng có những nét riêng. Nói bạo một chút, thì mỗi giáo xứ cũng có những nét riêng. Mỗi tổ chức, mỗi nhóm cũng có những nét riêng. Mỗi nơi có lịch sử riêng của mình, với những hoàn cảnh riêng, với những nhu cầu riêng, với những tập quán riêng.
Nếu những nét riêng đó là những màu sắc đẹp, bổ túc cho nhau, thì bộ mặt Hội Thánh Việt Nam sẽ rất rạng rỡ. Nhưng nếu xảy ra trường hợp những nét riêng đó quay ra chọi nhau, thậm chí tìm loại trừ nhau, thì đó là phân hoá.
Phân hoá càng sẽ trở nên trầm trọng, khi nó đưa đến những hậu quả xấu.
Hậu quả xấu
- Phân hoá dễ gây nên hoang mang. Rất nhiều người đau xót, không biết đâu là đúng, đâu là sai. Đau xót đôi khi dẫn tới chán nản.
- Phân hoá dễ làm cớ cho nhiều người giảm lòng tin đối với các đấng bậc giữ trách nhiệm soi sáng cho đoàn chiên.
- Phân hoá dễ phát sinh những làn sóng ngầm độc hại. Khi dư luận để tự do trôi nổi, tình hình sẽ dễ bị những người cơ hội, thủ đoạn lợi dụng. Những ai nông nổi sẽ dễ bị lôi cuốn vào đủ thứ suy đoán và bịa đặt.
- Phân hoá làm cho nhiều người mất phương hướng, nhất là mất sự bình an tâm hồn. Họ không còn tập trung vào bổn phận, mà lại chạy theo những tiên tri giả, những thầy dạy giả.
- Phân hoá cản trở việc rao giảng Tin Mừng. Bôi lọ nhau, kết án nhau, loại trừ nhau nơi những người đạo Chúa, đó có phải là dấu chỉ của Tin Mừng hay là phản Tin Mừng?
- Phân hoá ở cấp cao dù chỉ là theo dư luận đồn thổi, sẽ làm cho uy tín của Hội đồng Giám mục Việt Nam bị giảm sút. Vị trí của Hội Thánh trong nước bị rớt xuống một cách thê thảm.
- Phân hoá nguy hiểm nhất không phải là phân hoá trong lãnh vực chính trị, mà là phân hoá trong lãnh vực đạo đức.
Báo động
Đang khi nhiều người vốn nhìn Hội Thánh Việt Nam là Hội Thánh của Đức Giêsu Kitô, thì cũng nhiều người lại nhìn Hội Thánh Việt Nam là Hội Thánh của nhân vật này, nhân vật kia.
Đang khi nhiều người luôn xây dựng đời sống đạo trên nền tảng Phúc Âm, thần học, Công đồng, giáo luật, thì cũng nhiều người lại xây dựng đời sống đạo một cách tuỳ tiện theo ý riêng mình, dựa trên những ý kiến của phe này nhóm nọ.
Đang khi nhiều người coi đời sống nội tâm là cần thiết, thì cũng nhiều người lại bỏ đời sống nội tâm, để chạy theo đời sống bên ngoài một cách mù quáng.
Đang khi nhiều người vốn tu thân theo con đường tu đức Phúc Âm, sống sự từ bỏ mình, vác thánh giá mình, mà theo Chúa, thì cũng nhiều người đang biến đời tu thành một lối sống hưởng thụ, buông thả.
Khi đạo đức đã xuống dốc, thì sự phân hoá sẽ nảy nở mạnh trong đời sống đức tin, đời sống luân lý, đời sống tu trì.
Kinh nghiệm của các nước công giáo lâu năm cho thấy: Khi đạo đức xuống là lúc các thứ giáo phái sai lạc, các phong trào xấu, các thứ chủ nghĩa thế tục tràn vào nội bộ Hội Thánh. Nếu chính lúc đó, hàng giáo phẩm và giáo sĩ lại suy giảm uy tín, thì Hội Thánh sẽ bị phân hoá dữ dội. Chẳng cần chính quyền nào bắt bớ Hội Thánh, mà chính nội bộ Hội Thánh sẽ bắt bớ Hội Thánh.
Ước mong
Vì thế, ước mong tha thiết mà tôi xin gởi tới Đại Hội Dân Chúa là hết sức tránh nảy sinh thêm những phân hoá mới, trái lại hết sức chỉnh đốn lại đời sống đạo đức trong Hội Thánh Việt Nam, nhờ đó, mà bớt đi những phân hoá tai hại.
Hội Thánh Việt Nam chúng ta rất cần tái-Phúc-Âm hoá. Việc đào tạo những người đào tạo phải chăng là một vấn đề ưu tiên cho chương trình tái-Phúc-Âm hoá, để có thể cộng tác với Chúa Thánh Thần một cách có hiệu quả.
+ GM Gioan B. Bùi Tuần