Đức Giám Mục Michel Marie Oliver Schmitthaeusler sinh năm 1970 tại Strasbourg (Pháp). Sau khi chịu chức linh mục năm 1998, ngài đến Cam Bốt để truyền giáo. Tháng Ba năm 2010, ngài được tấn phong giám mục và được bổ nhiệm làm Phó Đại Diện Tông Tòa tại Nam Vang, thủ đô của Cam Bốt.
Cuộc phỏng vấn này được thực hiện bởi Mark Riedemann trong chương trình truyền hình "Nơi Chúa Khóc" nói về hiện tình Giáo Hội tại quốc gia Đông Nam Á này.
Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục, gần đây ngài đã được bổ nhiệm làm giám mục thủ đô Nam Vang. Phản ứng đầu tiên của ngài là gì? Đó có phải là một cú sốc không ạ?
-- Tôi rất ngạc nhiên và lo sợ bởi vì tôi còn rất trẻ. Tôi mới có 39 tuổi - có lẽ vào thời điểm đó, tôi là giám mục trẻ nhất thế giới. Tôi học theo tiên tri Giêrêmia thưa lên: "Lạy Chúa, con đây còn quá trẻ. Con gánh vác được điều đó sao?". Sau đó, tôi nhớ đến lời Đức Mẹ Maria đã nói: "Này tôi là tôi tớ Chúa", vì vậy tôi chấp nhận.
Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục, ngài đã sống 13 năm ở Cam Bốt. Đất nước Cam Bốt do ngài tự chọn hay do Hội Thừa Sai Paris (MEP) phái ngài đến Á Châu?
-- Đúng vậy, tôi là một thành viên của Hội Thừa Sai Paris và tôi nhận được bài sai khi tôi đang là phó tế. Sau khi tôi được thụ phong linh mục, vị Bề Trên Tổng Quyền thông báo cho tất cả: "Cha Oliver sẽ đến Cam Bốt".
Hỏi: Ngài có sợ không?
-- Tôi rất ngạc nhiên và đồng thời cũng rất hạnh phúc. Khi còn là chủng sinh, tôi đã ở Nhật Bản 3 năm. Tôi yêu Á Châu và khi tôi nhận nhiệm vụ này tôi hạnh phúc khi đến Cam Bốt.
Hỏi: Ngài đã làm việc hơn 10 năm trong các giáo xứ vùng nông thôn. Ngài đã học được những gì từ người dân Cam Bốt?
-- Tôi có một cảm nghiệm tuyệt vời, đặc biệt là ở những nơi mà tôi ở lại. Đó là một nhà thờ rất nhỏ bé. Khi tôi đến chỉ có một Kitô hữu. Chúng tôi khởi sự mọi thứ từ đầu. Chúng tôi xây nhà thờ và tổ chức một nhóm bạn trẻ. Năm 2003, chúng tôi có các nghi thức rửa tội đầu tiên - hiện nay chúng tôi có tổng cộng 98 người đã được rửa tội và 35 tân tòng, họ sẽ được rửa tội vào năm tới. Chúng tôi cũng bắt đầu một ngôi trường mẫu giáo và trung học nhỏ. Chúng tôi còn có một trung tâm dệt vải. Người dân Khmer rất thân thiện và họ chào đón tôi bằng vòng tay rộng mở. Đó là một cảm nghiệm rất tốt đẹp cho đời sống linh mục của tôi. Tôi sẽ rất khó quên.
Hỏi: 96% người dân Cam Bốt theo Phật giáo. Các làng lân cận đã phản ứng ra sao khi ngài bắt đầu truyền giáo? Họ có cởi mở khi có một làng Kitô giáo bất ngờ xuất hiện giữa họ không?
-- Làng chúng tôi rất may mắn, Thiên Chúa ở cùng chúng tôi. Người dân chấp nhận chúng tôi bởi vì chúng tôi có một trường dành cho con trẻ và cho cả phụ huynh, tất cả Phật tử cũng đều gửi con em đến trường của chúng tôi. Chúng tôi cũng có một cái gì đó tương tự như một nhóm Linh Hoạt, mỗi sáng Chúa Nhật, chúng tôi có hơn 300 trẻ em đến tham gia trong một giờ hoạt động.
Hỏi: Cha mẹ chúng không lo ngại con cái mình sẽ cải đạo hay sao ạ?
-- Chúng tôi làm điều này đến nay đã hơn 6 năm và hàng năm số lượng đều tăng lên, vì vậy tôi nghĩ rằng đây là một dấu hiệu tốt. Chúng tôi đã bắt đầu một giáo xứ mới khoảng 40 km đường đi và chúng tôi bước đầu đã có những vấn đề đặc biệt trong số những bạn trẻ.
Hỏi: Tại sao ạ?
-- Suốt hai năm, bằng một cái microphone và loa phóng thanh, họ đã tuyên truyền một số thông tin sai lạc về Giáo hội Công giáo. Họ nói rằng, nếu các em gia nhập Giáo hội Công giáo thì sẽ không được phép kết hôn, cũng không nhận được sự viện trợ nào từ các tổ chức phi chính phủ. Vào Lễ Giáng Sinh năm 2006, chúng tôi mời tất cả ông bà lớn tuổi trong làng đến. Họ rất hạnh phúc và tất cả đều nhận ra rằng, Giáo hội Công giáo rất cởi mở và đón nhận tất cả mọi người. Chúng tôi đã trở thành người bạn tốt của họ. Thật thú vị, trong làng này, mỗi ngày Chúa Nhật đều có khoảng 10 đến 20 người cao tuổi bên Phật giáo đến nhà thờ để xem những gì chúng tôi cử hành. Họ tham dự Thánh Lễ và lắng nghe bài giảng. Mối quan hệ rất thú vị.
Hỏi: Vốn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi văn hóa Phật giáo. Người Khmer theo Phật giáo có xem những người theo các niềm tin khác là đáng bị nguyền rủa vì đã từ chối nền văn hóa của quốc gia hay không ạ?
-- Tôi nghĩ rằng ở Cam Bốt này, trong 4 năm Khmer Đỏ cai trị, Polpot đã khủng bố và phá hủy mọi thứ: văn hóa và tất cả các hình thức tôn giáo, trong đó có Phật giáo và Công giáo. Sau Khmer Đỏ là 10 năm chiếm đóng của người cộng sản Việt Nam, một lần nữa chẳng có hình thức tôn giáo nào được cho phép. 20 năm qua, người dân Cam Bốt bắt đầu tái thiết lại truyền thống cũng như việc thực hành tôn giáo của họ. Bây giờ, tôi nghĩ rằng người dân đã có nhiều sự cởi mở hơn trước. Điều này đặc biệt có lợi cho Giáo Hội Công Giáo. Ví dụ trong lễ rửa tội cho những người trẻ tuổi trở thành Kitô hữu, chúng tôi mời ông bà cha mẹ cùng tham gia.
Hai năm trước, có một đám tang. Đối với Phật tử, tang lễ luôn rất quan trọng, họ luôn cho rằng người Công giáo chẳng quan tâm đến người chết và không có sự tôn trọng người chết, đặc biệt là các bậc cha mẹ đã chết. Tất cả họ đều chờ đợi xem tôi sẽ làm những gì trong tang lễ. Và sau đó họ đã rất ấn tượng. Tôi theo truyền thống tang lễ của họ, có cả việc cử hành "tuần bảy" theo truyền thống Phật giáo. Tôi cố gắng giúp họ hiểu rằng, người Công giáo chúng ta không chối bỏ cái chết, nhưng chúng ta cầu nguyện cho người chết, tin yêu và hy vọng vào sự phục sinh. Đây là cơ hội để chúng ta làm chứng nhân cho Chúa Kitô và cơ hội để cho các Phật tử xem thấy những gì chúng ta làm.
Hỏi: Điều gì sẽ thu hút một Phật tử tiếp cận và trở thành một Kitô hữu ạ?
-- Chúng tôi bắt đầu với giới trẻ. Giới trẻ truyền giáo rất hiệu quả; bởi vì nếu bạn của tôi đi nhà thờ, thì tôi cũng muốn đi nhà thờ, ngay cả khi tôi không hoàn toàn thấu hiểu giáo hội là gì. Đó là giai đoạn đầu tiên. Giai đoạn thứ hai là họ sẽ khám phá ra sự bác ái. Chúng tôi đã tiếp cận các cộng đoàn làm bác ái trong tất cả các nhà thờ của chúng tôi. Đây là các tổ chức bác ái của người Công giáo dành cho tất cả mọi người, không chỉ riêng người Công giáo mà còn cho tất cả đồng bào, đặc biệt là người nghèo. Họ đang chứng kiến điều đó và cuối cùng họ đã được thu hút để mở rộng con tim yêu thương. Giai đoạn thứ ba, rất quan trọng, đó là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Song, việc này cần có thời gian. Tuy đó là một trải nghiệm mới, nhưng qua lời cầu nguyện và đọc Kinh Thánh, họ sẽ gặp Chúa Giêsu. Đây là một bước đi theo tiến trình. Chúng tôi thường nhận rất nhiều bạn trẻ. Trong Giáo Hội của tôi, mỗi ngày Chúa Nhật có khoảng 100 người, với hơn 60 Phật tử. Trong số 60 Phật tử này, có khoảng 20 hoặc 30 người sẽ tiếp tục có sự tiếp cận Kitô giáo.
Hỏi: Chúng ta cùng trở về chế độ Khmer Đỏ dưới thời Polpot. Đã có sự tàn phá ghê gớm các nhà thờ cũng như sự cấm đoán hoàn toàn việc thực hành tôn giáo. Ngày nay, ngài làm thế nào để giải quyết vấn đề này?
-- Thời kỳ 1975-1979 đặc trưng bởi sự tàn phá tài sản của Giáo Hội và tàn sát linh mục lẫn tu sĩ. Chúng tôi đã có 2 giám mục bị thiệt mạng, một vị bị giết chết và vị kia chết vì bệnh tật. Họ là giám mục người Khmer đầu tiên trong lịch sử Cam Bốt, chúng tôi cũng không quên 2 triệu người Khmer bị thảm sát. Năm 1989, các giáo sĩ bắt đầu trở lại đây một lần nữa, sau hơn 30 năm gián đoạn. Thánh Lễ đầu tiên được cử hành là Lễ Phục Sinh, với khoảng 1.500 người Khmer tham dự, trong số đó có một vài người mới theo đạo, bởi vì các nhà truyền giáo đã rất tích cực trong các trại tị nạn gần biên giới với Thái Lan, cùng một số người Công giáo có trước chế độ Polpot. Giáo Hội Công Giáo bắt đầu tái lập ở Cam Bốt với 1.500 người Khmer.
Hỏi: Ngài không chỉ bắt đầu xây dựng lại cộng đoàn mà còn xây dựng cơ sở hạ tầng. Làm thế nào để phát triển?
-- Tại Nam Vang, chúng tôi chỉ có một nhà thờ, thời Polpot đó là một tiểu chủng viện. Chúng tôi đã mua cách đây 20 năm và đây là nhà thờ chính yếu ở Nam Vang. Chúng tôi cũng có một nhà thờ khác mới xây dựng cách đây 4 năm, nhưng tôi là một giám mục mà không có nhà thờ chính tòa, vì nhà thờ chính tòa ở Nam Vang đã bị phá hủy vào năm 1975 trong vòng một tuần Khmer Đỏ chiếm đóng. Vì vậy, đây vẫn là một tiến trình. Ngoài ra, chúng tôi cũng tái truyền giáo cho các Kitô hữu. Năm ngoái, chúng tôi đã làm một bản tổng hợp về công cuộc truyền giáo suốt 20 năm qua (1989-2009) và người dân mong muốn có một nhà thờ, một nhà thờ chính tòa, đây là dấu hiệu của hy vọng. Đó cũng cho thấy rằng, tố chất bên trong mới là quan trọng.
Hỏi: Ngài có nhìn thấy vết thương lòng nào của người dân sau thời kỳ Polpot không?
-- Vết thương lòng bắt đầu trước khi có Polpot. Những cuộc nội chiến năm 1970 thời Lon Nol và Việt Nam chiếm đóng sau thời Polpot. Đó là một khoảng thời gian rất dài. Không có sự chuyển giao các giá trị truyền thống văn hóa và lịch sử trong thời gian này, sự chuyển giao này rất quan trọng cho thế hệ kế tiếp. Mối quan tâm chính của họ trong giai đoạn đó chỉ đơn giản là sự sinh tồn; tìm kiếm thức ăn và nơi trú ẩn, họ không có thời gian để chuyển giao các giá trị truyền thống văn hóa và lịch sử. Đối với những bạn trẻ, đây là một thách thức khi họ bắt đầu xây dựng gia đình, bởi vì họ đang thiếu một sự kết nối và kiến thức về di sản của cha ông họ. Ở Cam Bốt, 60% dân số là dưới 20 tuổi, và họ không có kiến thức gì về các cuộc nội chiến, chế độ Polpot và thậm chí là bản sắc văn hóa của họ. Vì vậy, đó là một thách thức cho chính phủ và cho cả Giáo hội.
Hỏi: Đâu là điều đặc biệt ưu tiên trong vấn đề này?
-- Ở Cam Bốt, giáo dục là ưu tiên. Nguồn lực con người đã bị phá hủy và bây giờ họ phải xây dựng lại tất cả mọi thứ. Đó cũng là một ưu tiên của Giáo Hội Công Giáo, vì giáo dục là một phần bắt đầu hình thành nên sứ vụ mới của tôi tại Giáo Phận Nam Vang, giáo dục là một ưu tiên bởi vì chúng tôi đang sống trong thế hệ Kitô hữu đầu tiên. Họ đã được rửa tội cách đây 10 năm, 20 năm, giáo dục là một cách giúp cho họ vững mạnh căn tính Kitô giáo và bén sâu vào văn hóa, để giúp họ trở thành các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội và trong gia đình, để xây dựng một gia đình Kitô hữu tốt đẹp hơn. Chúng tôi đang có hai chủng sinh, đó là nhiều rồi bởi vì chúng tôi chỉ có 14.000 Kitô hữu, do đó hai chủng là một tỷ lệ tốt. Chúng tôi cần mẫu hình gia đình Kitô giáo tốt để khuyến khích ơn gọi. Cho nên nói chung, việc trọng tậm hàng đầu là hình thành và giáo dục. Chúng tôi bắt đầu với một lớp mẫu giáo và bây giờ chúng tôi có khoảng 25 trường mẫu giáo trong giáo phận. Chúng tôi cũng có một trường dạy nghề theo truyền thống của Don Bosco.
Hỏi: Sau thời kỳ khủng khiếp làm hai triệu người bị giết chết, việc hòa giải sẽ như thế nào?
-- Phần lớn người ta không nghĩ đến hay không quan tâm về việc này; việc hoà giải là một khái niệm chỉ dành cho chúng ta. Đối với phần lớn người dân Khmer, đời sống đã là khó khăn rồi và họ chỉ tập trung vào việc mưu sinh. Họ tập trung vào tương lai và không nghĩ nhiều về quá khứ.
Hỏi: Vì vậy, phải chăng đây không phải là một trọng tâm của Giáo Hội Công Giáo để giải quyết vấn đề này?
-- Chúng tôi vẫn cố gắng làm qua công tác truyền thông xã hội của chúng tôi. Năm ngoái, chúng tôi có một hội nghị với các vị khách mời quốc tế và chúng tôi tập trung vào việc gặp gỡ những người Công giáo sống sót trong thời kỳ này. Cũng trong năm ngoái, tại trường trung học Công Giáo của chúng tôi, chúng tôi đã có một ngày nói chuyện về thời kỳ Khmer Đỏ. Chúng tôi mời một người sống sót đến để nói chuyện. Sau đó, chúng tôi đi đến một nơi tưởng niệm, gọi là cánh đồng chết. Chúng tôi cầu nguyện với các tu sĩ và linh mục. Chúng tôi cố gắng từng chút một để duy trì ký ức về thời kỳ đen tối đó, bởi vì tôi nghĩ rằng điều này là quan trọng, chúng ta không được quên, có thể điều này là một thách thức đối với quốc gia bởi vì họ muốn quên nhưng hiển nhiên là chúng ta không thể quên.
Hỏi: Quốc vương Cam Bốt đã tham dự hàng loạt buổi cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Vậy thì mối quan hệ giữa giáo hội với chính phủ ngày nay ra sao?
-- Đó là tốt mối quan hệ đặc biệt giữa chính phủ và Giáo hội Công giáo. Bây giờ tôi đã là Tổng Đại Diện giáo phận Nam Vang 3 năm rồi, và tôi có mối quan hệ tốt với chính phủ, chúng tôi luôn được chào đón.
Hỏi: Tuy vậy, ngài cũng không dễ truyền giáo đến tận cửa nhà. Công việc Phúc Âm hóa sẽ tác động thế nào nếu ngài vẫn bị hạn chế đến các gia đình trong các làng khác?
-- Không phải thế đâu. Chúng tôi không đi đến tận cửa nhà như những người theo giáo phái Mormons, chúng tôi cũng không được phép sử dụng lời nói để lôi kéo theo đạo. Tôi có thể hiểu điều đó. Một số người Tin Lành đã sử dụng các biểu ngữ lớn để trích dẫn một số đoạn Kinh Thánh, điều này là không được phép. Tôi có thể ghé thăm các gia đình trong làng mà không hề bị ngăn cản. Chúng tôi giải thích về đức tin Công Giáo với chính phủ và chúng tôi luôn luôn sử dụng các thuật ngữ Công giáo lẫn lương dân.
Hỏi: Chính phủ có phản ứng gì tiêu cực không khi có một hệ phái Tin lành được thành lập?
-- Hiện có rất nhiều giáo phái Kitô giáo ở Cam Bốt và chính quyền cảm thấy khó khăn để hiểu được họ là ai. Chính quyền thì rất vui vẻ với Công giáo chúng tôi vì chúng tôi có một cơ cấu rõ ràng: Đức Giáo Hoàng, các giám mục và sau đó các linh mục.
Hỏi: Cũng sẽ có phản ứng tiêu cực do việc truyền đạo nhiệt tình của một số giáo phái khác chứ ạ?
-- Vâng, đây cũng là một lý do. Tôi sẽ cho anh một ví dụ rất cụ thể: Năm ngoái, tôi xin nhập quốc tịch. Tôi đến Bộ Nội Vụ để phỏng vấn. Tôi giải thích rằng tôi là một linh mục thuộc Giáo Hội Công Giáo. Người phỏng vấn rất tức giận các Kitô hữu. Ông ấy không hiểu sự khác biệt giữa người Công giáo và những người khác. Ông nói: "Nhóm của ngài đã viết chữ trên tường là phải ghét Đức Phật để đến với Chúa Giêsu". Điều này tạo ấn tượng về sự phá hoại trong tâm trí của những người ngoài Kitô giáo, chúng tôi có nhiều trường hợp như thế này. Tôi không có ý công kích hay phê phán bất cứ điều gì về người Cam Bốt và người Khmer, nhưng đôi khi thật khó để diễn tả rằng chúng ta là người Công giáo hay là Kitô hữu.
Hỏi: Ngày nay, điều gì là cần thiết cho đất nước này và cho Giáo hội Công giáo?
-- Cần thiết phải hình thành và giúp người dân của chúng tôi gặp gỡ Thiên Chúa, điều này rất quan trọng. Cần có thời gian để cầu nguyện trong thinh lặng, để tạo một mối quan hệ với Chúa Giêsu và với Thiên Chúa - đây là một thách thức lớn trong một đất nước Phật giáo.
Nguồn: VietCatholic