XANH THÊM NHỮNG TÌNH YÊU
Bút Ký: Nguyễn Thị Thanh Huệ
Trong cuộc đời tím ngắt như hoa lục bình vừa trôi vừa nở, giữa mênh mông quạnh quẽ như tôi, thì chỉ cần một nụ cười, một ánh mắt như “rờ đụng” tâm tư tình cảm cũng hạnh phúc lắm rồi, còn dám mơ ước điều chi, vậy mà nó lại đến như một ân sủng.
Tháng 12 năm 2010 tôi mang nỗi buồn khi nhận ra mình là kẻ “quá ngây thơ” thì không thể nào phù hợp với người của “thế giới chẳng ngây thơ” chút nào; nên từ Cần Thơ tôi về An Giang dạo chơi rừng Trà Sư để ngắm
Mặt trời ngửa bông tràm trên vai khách
Gió đu đưa rót điệu mật Trà sư
Bình minh hát tiếng chim Bảy núi
Nắng dắt chiều cò vạc ngóng tìm thơ!
Xanh nguyên thủy rong rêu bèo nước
Tím vết đời năng lác một đêm phai
Nhà thủy tạ “cưa” nhau ly cống xự
Chẳng dở hay cắm cổ hát quên thôi
Cùng vỗ tay theo tiếng cười nghiêng ngả
Buổi cần câu chờ con cá thong dong
Đêm rừng rủ hồn trinh nguyên nhập thể
Tôi cũng thành chiếc lá phối tràm trăng.
Thì tin cha bố tôi: Cha Antôn Vũ Huy Chương đến. Trời ạ ! Tôi không thể nào ngờ được ngài đến như một vầng hồng giữa xám mây.
Bởi vì từ khi lũ con cái, và thân nhân Ngài gần bốn chục mạng gì đó, lốc thốc trên toa tàu hạng bét, thay phiên nhau kẻ nằm người ngồi “khò” một cách vô tư, để tiễn Cha từ Cần Thơ đi làm giám mục Hưng Hóa năm 2003, thì tôi không dại gì mà nhớ một thanh danh lớn, hay điên khùng mà tưởng Cha là của riêng ai. Tôi sẵn sàng quên Cha trong dòng chảy nhân gian; nhưng hiện hữu trong dòng kinh cầu nguyện Cha luôn được bình an, làm tròn nhiệm vụ tôn giáo và tình yêu quê hương đất nước.
Cũng hơi có chút gian dối, nếu ngươc về năm tháng cũ. Thâm tình đó còn đây, dù đường đời xuôi ngược, và thời gian có nghĩa lý gì.
Ngày đó tôi không biết Chúa là ai cả. Chồng chết, cuộc sống đói khổ với bầy con nheo nhóc. Cố ngoi lên vũng lầy cơm áo từ con hộ lý bệnh viện, tối mẹ bán xăng lề đường, cậy nương trước cửa một nhà thờ. Có lần bị công an đuổi bắt vì vi phạm tôi xách can xăng chạy vào dấu trong sân nhà thờ, bị Cha Sở phát hiện la rầy.
- Chị này ở đâu chạy vô đây ? Ra đi.
Tôi “ xù lông nhím” cười mỉa mai.
- Trời ơi! Vậy mà tui tưởng Chúa lòng lành. Ai ngờ Chúa dữ “thấy mẹ”
Từ đó Chúa càng xa lạ với tôi.
Nhưng lạ thay, dường như từ đó Chúa bắt đầu cho tôi biết Chúa lòng lành thật sự chứ không như lời nói ngông cuồng của tôi: “người đàn bà bán xăng lẻ lề đường đoạt giải truyện ngắn hay nhất” do báo Hậu Giang tổ chức năm 1990. Dư luận xôn xao ! Báo chí các nơi đổ về…. Cha Antôn Vũ Huy Chương cũng có mặt trong căn nhà rách nát tồi tàn của tôi hồi đó. Cảm nhận đầu tiên của tôi về Ngài, là một người hiền từ, dễ gần gũi và tin cậy được. Có vậy thôi chứ tôi chưa thấy Chúa trong Ngài.
Chúa của tôi – của 4 năm tìm hiểu – qua mối quan hệ ngày càng sâu xa hơn với Ngài, với những gì xảy ra trong đời, để cuối cùng tôi xin Ngài rửa tội cho tôi, để được làm con Chúa thì tôi không thể viết ra. Lãnh vực thuộc về tâm linh và đức tin đó là con đường riêng của mỗi người. Phải tự mình sống với phút giây “đập phá bản thân” để tìm tới hội nhập. Thượng Đế là con đường của trái tim không ai giống ai. Cũng giống như muốn biết mùi vị dở ngon chính xác thì người ta phải “ăn” mới biết được chứ không thể đứng nhìn nghe mô tả!
Bây giờ hiểu được như vậy, Cha tôi cũng đã mất nhiều công sức dạy dỗ, chứ hồi đó không biết tại sao tôi cứ nhất định phải là Cha Antôn rửa tội thì tôi mới chịu. Có lẽ đấy cũng là một cách Chúa tóm cổ Tề Thiên, thay vì giao cho Đường Tam Tạng, thì Chúa “quẳng gánh nặng” cho Cha, lúc đó cha Antôn là Cha Giám học Đại chủng viện Cái Răng. Ngài khoác cho tôi chiếc áo màu trinh làm con Thiên Chúa, tôi thấy như mình giã từ một kiếp đời lăn lóc nổi trôi, bị coi thường khinh bạc. Giữa dòng cầu nguyện của Quý Cha, Quý Soeur Nữ tử Bác Ái tham dự tôi thấy mình được Chúa thương yêu, được những người đầy vinh dự thương yêu chăm sóc. Vì sau buổi lễ, Cha tôi – Cha Antôn đã chuẩn bị trước bỏ ra một số tiền nhờ chị em nhà bếp Đại Chủng Viện làm bữa cơm tươm tất, mời một số Cha thân hữu của Ngài, các anh chị em Hội đồng Giáo xứ, và những người bạn thời làm hộ lý của tôi cùng tham gia ngày vui nhứt đời tôi.
Trong số đó có Cha Matthêu Lê Ngọc Bửu đang là Cha Giáo Chủng viện Cái Răng, hiện giờ là Cha linh hướng của tôi, và Soeur Maria Nguyễn Thị Hiền, Nữ tử Bác Ái, mà tôi coi như Mẹ Têrêsa trần thế của tôi. Bà đã dìu dắt tôi hơn 10 năm theo bà lặn lội khắp vùng sâu hẻm phố cứu giúp người nghèo khổ tật nguyền. Giờ già quá về hưu dưỡng ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng thường xuyên gọi điện về nhắc nhở tôi đi lễ.
Tình yêu là con nợ dai dẳng gai lì mà vô cùng đáng yêu. Đáng yêu nhất là chỗ ngỡ đã quên rồi như Cha Bố tôi nhưng lại xuất hiện với y nguyên cái duyên ngầm của ổng. Như tôi đã nói, đang buồn ở Trà Sư thì được điện thoại cha bảo “Sẽ cho cái bất ngờ thú vị”. Gì vậy trời? Hôm sau Cha mới bảo về Cần Thơ, và có mặt ở sân bay Trà Nóc lúc 8 giờ ngày 4 tháng 12 năm 2010. Ổng cho đi chơi Hà Nội! Chúa ơi! Con có nghe lầm không? Hi! Hi! Sướng quá. Gần hết đời người mới được đi máy bay lần đầu!
Tới ngày hẹn, mới 5 giờ sáng tôi đã vác túi đồ ra “chầm” quán cà phê đầu đường để nghe sung sướng một mình. 8 giờ có mặt ở sân bay gặp ngay Cha Bố ngồi chung du lịch với hai ông “cốm” nữa. Đức Cha Tri Bửu Thiên và Cha cựu Giám Đốc Đại Chủng Viện Cái Răng, nay là Cha Quản Hạt Cần Thơ Đôminicô Nguyễn Thành Tính. Ôi! Mừng và “rét” đi đôi! Cũng may là chưa “đóng băng” vì các “Cố” đều là những bình minh nồng nàn ấm áp thêm sương!
Nhưng khi theo các Ngài lên thang máy bay tự nhiên lồng ngực tôi trổi “sóc bamboo”, máu rân rân cứng người … Bước hẳn vào lòng máy bay mát rượi ngồi xuống ghế êm ru “đã” làm sao! Vậy mà tưởng như ghế xe đò máy lạnh Phước Sanh chứ, ngon hơn nhiều! Có dây đai an toàn nữa. Họ bảo hành khách thắt vào và chỉ chỗ thoát hiểm khi máy bay có sự cố. Trời đất! đừng có cháy nổ nghe cha. Chúa ơi con mới đi lần đầu, xin Chúa phù hộ con! Nhìn qua hàng ghế bên kia thấy các Đức Cha ngồi tỉnh bơ. Mấy “cố nội” nầy đi máy bay như ăn cơm bữa chứ gì? Khoái trá cười thầm, nói lén mà chẳng ai nghe?
Cha Quản Hạt ngồi kế bên cẩn thận cột dùm dây an toàn cho tôi cũng vừa đúng lúc máy bay khởi động chạy trên đường băng đủ đà tốc độ rồi ngóc mũi lao lên nhẹ nhàng êm ru. Ruột mình “thót” lên một cái… sướng đời! Nhìn qua hông của kính mặt đất xanh ngoằn ngoèo, sông rạch như đường bản đồ vạch trắng. Phố xá cao tầng trở thành chen chúc, “chuồng cu” tháp nhọn hay ô vuông nhỏ xíu.
Từng cụm mây trắng dưới cánh máy bay, chắc là đang ở độ cao lắm đây. Nghe nói ở độ cao máy bay cũng bị nhồi xốc như đi xe, nhưng có thấy gì đâu. Chỉ khi xuống thấp gần hạ cánh bỗng nhiên bị sức ép gì đó mà hai lỗ tai điếc đặc khó chịu vô cùng!
Tới giờ ăn lại một phen khổ sở. Cô phục vụ đem khay thức ăn đến, nào bánh ngọt, bánh mặn, cà phê, sữa, trái cây, dao nĩa bằng nhựa và khăn giấy có dấu hiệu Vietnam Airlines… Tôi lúng túng… Trời ạ, hai bàn tay chuyên môn xé mắm sống, giờ phải cầm dao nĩa lọng cọng… Nhưng khổ nhứt là không biết ăn món nào trước, món nào sau. Ăn món nào đi đôi với món nào, uống thứ gì cho khỏi bị quê đây.
Đức Cha Antôn dư biết về đứa con đỡ đầu của mình nên Ngài vừa ăn vừa liếc qua dòm chừng… còn tôi thì cũng cố lách tầm nhìn qua đôi vai to bè của Cha Quản Hạt, rất đẹp trai hồi mấy mươi năm trước, để coi cha mình ăn gì bắt chước ăn theo. Nhưng rồi nghiêng ngó trên dưới cái kiểu nầy cũng mệt “thấy mẹ”. Tôi bèn “chơi” luôn…. hổ lốn, không cần biết khỉ khô gì nữa.Tôi “quất” gọn một trái gì đó mặn chát rùng mình ngậm miệng luôn không dám nhả.
Cha Quản hạt không biết có thấy không mà ổng cứ ăn uống từ tốn. Xong ổng mới hỏi:
- Hồi nãy con ăn trái gì có biết không?
- Dạ không!
- Vậy con tưởng nó là trái gì mà con ăn?
- Dạ trái táo.
- Ngọt lắm phải không con?
Tự nhiên tôi bật cười “khục khục”. Hai cha con cùng cười, cùng ẻm tiếng cười trong cổ họng.
Rồi ổng nói
- Trái ô liu đấy cô ạ.
Tôi muốn hỏi Cha trái ô liu đó ăn với cái gì, nhưng quê quá không dám hỏi. Máy bay hạ cánh ở sân bay Nội Bài sau 1 giờ 45 phút cất cánh. Xe nhà thờ Sơn Tây do Thầy Trần Văn Thụ lái chực chờ Đức Cha ở đó, rồi đón tất cả về Phủ Lý – Hà Nam dự tang lễ của một Cha, rồi về luôn Sơn Tây. Đức Cha Tri Bửu Thiên rất bận công việc nên khi về Sơn Tây ăn bữa cơm tối rất vui vẻ, rồi sáng hôm sau đi sớm lúc 5g làm bữa ăn sáng hôm sau Đức Cha Antôn cứ tiếc không được bắt tay tiễn biệt Ngài cho trọn tình bằng hữu.
Ở Sơn Tây tôi được chiêm ngưỡng Hang Đá Đức Mẹ xây dựng trong thời gian Đức Antôn về đây. Một hang đá vừa trang nghiêm vừa uyển chuyển mỹ thuật, rất hợp với tâm tình cầu nguyện và thư giãn …
Tu viện Mến Thánh Giá một trệt ba lầu rất lớn thuộc giáo phận Hưng Hóa cũng là kết quả tâm huyết của Ngài. Nhìn những dãy lầu thoáng mát, cung cách nề nếp rất thích hợp cho bao nhiêu nữ tu sống yêu người, mến Chúa, chẳng có danh lợi bon chen gì ở đây. Tôi thấy lòng yên ả trải mát vô biên. Và cũng thương quá mái tóc đã bạc trước tuổi của Cha tôi. Nhưng cũng liền đó tôi chợt nhận ra sự tầm thường bé nhỏ của tôi. Đem thời gian mà so sánh với vĩnh hằng thì quả là ngu ngốc.
Một đêm làm khách ở nhà chung Sơn Tây. Hôm sau Đức cha cho đi chơi SA PA kết hợp với một số công việc Ngài ở đó. Trời ạ! Sapa là hình ảnh ước mơ, nhưng chưa bao giờ tôi dám tưởng tượng một ngày được có mặt ở vùng núi đồi tuyệt đẹp địa đầu Tổ Quốc. Chuyến đi mà tôi nghĩ là một đặc ân từ Chúa thiêng liêng, từ Cha Bố, và quý ân nhân suốt dọc chiều dài 400 cây số từ Sơn Tây tới Sapa là nợ tình không bao giờ trả nổi.
Tới đâu khi xe ngừng lại thăm viếng nghỉ ngơi cũng được tiếp đón nồng nhiệt. Cha Quang nhà thờ Cẩm Ân Yên Bái hai lượt đi về cơm nước tận tình, không ngại gió mưa che dù đón Đức Cha tới đọc kinh ban phép lành cho anh chị em giáo dân - nơi chưa có nhà thờ - phải mượn tạm nhà của một giáo dân làm nơi gặp gỡ Đức Cha.
Còn Cha Giuse Nguyễn Văn Thành nhà thờ Cốc Lếu Lào Cai. Làm sao nói lời cảm ơn Cha và anh chị em Hội đồng giáo xứ về bữa cơm tươm tất, tận tình, và mấy tiếng đồng hồ lo thủ tục xuất cảnh cho Cha Quản Hạt, Dì Huyền và tôi sang chơi Trung Quốc. Tuy hai cửa khẩu “sát nách” nhưng cũng được tiếng “xuất ngoại” chứ bộ. Và chỉ mấy tiếng đồng hồ, dạo qua các Phố Vân Nam mua vài món đồ kỷ niệm cũng hạnh phúc lắm rồi. Cha Quản Hạt hút thuốc như cái “ống khói” nên ổng mua cái hộp đựng thuốc lá màu vàng 3 con số 555 có bật lửa chung rất đẹp. Ổng tặng tôi một cái. Khi về Sapa tôi mua cái túi xách nữ nhỏ Dân tộc mà tôi thích tặng lại ổng. Hai Cha con cùng thích hai món quà ngược đời trong tình yêu “nên một” của “nhiều khác biệt” như lời Chúa dạy.
Từ giã Cốc Lếu về tới Sapa đã tối mịt nhưng lại bừng sáng nụ cười của Cha Sở nhà thờ Sapa Phêrô Phạm Thanh Bình, của anh chị em Hội đồng Giáo xứ, và một số em người H’Mong chuẩn bị dự tu đang phục vụ ở đây.Tất cả có mặt bên bữa cơm đón mừng Đức Cha.
Dấu ân đầu tiên đó, và kế tiếp mấy ngày ngắn ngủi thôi, mà sao khi về lại đồng bằng, ngay cả khi bất chợt bị lên máu nặng phải đưa vào cấp cứu tại Trung Tâm tim mạch TP Long Xuyên từ ngày 9 đến 13 tháng 7 (trong khi đang viết bài này), Sapa như cũng theo tôi vào viện. Theo nhịp đập đau đớn của trái tim tôi vẫn chập chờn thương nhớ đêm đầu tiên cùng Dì Huyền dạo chơi “làng nướng” uống rượu với một cô gái H’Mông tại quán cô Chuẩn. Tôi thật thương Dì Phước nhỏ. Dì “đi” ngọt ly rượu mời của cô gái H’Mông mà không dám nhăn mặt. Đúng là: “Dẫu đắng mình cũng dấu để người vui”. Còn cô Chuẩn – người chủ quán khá xinh đẹp, có phải biểu hiện tình người Sapa không, mà khi biết tôi là “chòi” thơ, cổ yêu cầu đọc vài bài cho cô nghe. Khi tôi đọc xong thích quá cổ “xù” luôn tiền con chim nướng ăn với mớ rau ô-dây… làm tôi sững sờ! Thì ra:
“Mê câu thơ không cần chi lời lỗ
Yêu khách đồng bằng biếu chị làm quen”.
Tình Sapa chưa dừng lại ở đây. Nó còn nở rộ hơn ở đêm sau đó nữa. Người nhà Thầy Trần Văn Thụ - cô Tài - mời chiêu đãi Đức Cha, Cha Quản Hạt, Cha xứ Sapa và một số anh em giáo xứ thân thích. Tiệc “chùa” làng nướng trước của nhà thờ trên bờ lộ thung lũng chợ Tình. Tất cả quây quần dọc lề đường thưởng thức món “bí ngô nướng” đặc sản Sapa và mấy món gì nữa, nhưng bị trận cười làm tôi quên tuốt …
Cũng tại Chúa nhập thể nên Đức Cha mới biểu tôi ca vọng cổ. Trời ơi, cái máu dọc ngang mà Cha cho phép “xổng chuồng” cái kiểu nầy thì trúng tủ rồi Cha ơi! Cha biết không, con có biết nhịp nhàng khỉ mốc gì đâu. Vậy mà mấy năm trước Hội Nhà Văn TP Cần Thơ đi thực tế rừng U Minh Thượng được Ủy Ban “thưởng” cho nồi cháo rắn hổ hành nấu đậu xanh, cũng nhờ mấy câu “Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà” nầy đó.
Nghĩ vậy rồi tôi cười sửa bộ lấy hơi “rống” lớn câu đầu… khi xuống “xề” Đức Cha vỗ tay miệng cũng hô “tùm” một cái, làm bật ngửa một trận cười dã man! Cười khô máu! Cười tột đỉnh thiêng liêng gột bỏ hồng trần! …
Vui như vậy nên khi xa trách nào không nhớ! Nhưng nhớ nhất đời tôi là buổi chiều mưa rây ở nhà thờ Hầu Thào cách thị trấn Sapa độ mươi cây số. Vùng quạnh hiu nầy khi đứng trên cái nền nhà thờ đang khởi công xây cất nhìn xuống vùng lòng chảo rộng lớn mênh mông trước mặt, để thấy những hàng cây chen chúc màu còi soi mặt nước đục im lìm, chợt nghe bao la thương cảm, một thứ gian truân kiêu hãnh của đất trời, không dành để cho những tâm hồn còn xa tầm với thiên nhiên.
Rồi kế tiếp những bóng người, những bóng váy sắc màu Dân tộc H’Mông, từ đâu cứ lũ lượt đông dần lên đổ về phía nhà thờ nhỏ bằng cây gần chỗ tôi. Những gương mặt phụ nữ ngây ngô đen đủi “địu” sau lưng một đứa con nhỏ, nghiêng mặt xám ngoét nhìn trời buốt giá, nhưng đôi mắt thơ dại thật bình yên. Tôi nao lòng trước cái như sự “thách thức” hay kiên trì chịu đựng ấy, để bảo chứng cho một số khuôn mặt trắng hồng xinh đẹp trong số họ, như chân lý bất biến giữa muôn ngàn khốn khó. Tất cả đều chen chúc nhau ngồi trật tự trong lòng nhà thờ nhỏ, bàn Thánh không có một đóa hoa tươi.
Họ im lặng nghe lời Đức Cha giảng lời Chúa dạy yêu thương, không được hiểu trực tiếp từ miệng Đức Cha mà phải qua một anh phiên dịch người H’Mông rành tiếng Việt. Đức Cha nói một câu tiếng Việt, anh dịch ra tiếng H’Mông cho anh em mình hiểu… Vậy mà suốt buổi lễ tôi không nghe một tiếng ho, hay một động thái nhỏ nhặt nào làm mất tập trung. Điều này khiến tôi chợt nhớ một số người ở nhà thờ Thành Phố, lúc Cha giảng thì cúi khom nghe điện thoại, hoặc quạt phành phạch, trẻ con chạy lung tung …Và cuối cùng khi kết thúc buổi lễ tôi sửng sốt nhìn về phía các em ca đoàn trẻ hát thánh thót bài “Tán tụng hồng ân” bằng tiếng H’Mông giai điệu nhịp nhàng.
Mọi người ra khỏi nhà thờ với niềm vui líu lo gì đó mà tôi không hiểu. Tôi cứ đứng yên một góc nhìn theo những chiếc bóng khuất dần đâu đó trong các nẻo rậm hoang, mà nghe lòng rưng rức nỗi niềm.
Tôi nhớ về thành phố, với những nhà thờ vô cùng sang đẹp. Bàn Thánh lộng lẫy tượng hoa. Rồi nhớ lời một vị Cha khách từ TP Hồ Chí Minh xuống nói chuyện về Lễ Giáng Sinh sau thánh lễ. Cha nói Chúa sinh ra trong máng cỏ. Nhưng người của Phố lại ganh đua nhau về “Ông già Noel”… thấy nhà hàng xóm mình không ưa làm ông già Noel to, thì họ lại làm to hơn nữa, và ăn uống vui chơi cũng sang hơn…!
Tôi cũng nhớ về tôi, nhà thờ sát bên nhà, vậy mà sao tôi có quá nhiều lý do để vắng mặt lễ Chúa Nhật? Tôi thấy tôi “biết” nhiều hơn những anh chị em giáo dân người H’Mông nầy. Họ chẳng biết gì hết. Thậm chí nếu không có ai dạy bảo, họ dám kêu Chúa Giêsu và các Thánh bằng “thằng” lắm à? Nhưng họ hơn tôi một cái “đầu trong veo”, nên tình yêu dễ dàng xuất hiện. Còn đầu tôi, một cái đầu “không biết quên” lúc nào cũng đầy ắp “thời gian và ý tưởng” thì làm sao cho “thuần túy” rung động tình yêu xuất hiện!
Tôi bổng thèm khát cái “dại khờ” của những người anh em H’Mông chiều nay. Họ trơn tru, lầm lụi, và dại khờ đến thánh thiện trong Đức tin.
Về đồng bằng tôi vẫn nhớ chợ Tình Sapa chưa tới ngày giao hội theo lệ mỗi chiều thứ bảy hàng tuần. Tôi chưa được nghe điệu khèn chiêng trổi khúc nhạc “gù” cho nam nữ nhảy ca hát múa. Để rồi trong niềm vui chung đó, có ánh mắt và trái tim nào lên tiếng gọi riêng, đôi nam nữ ấy sẽ lập thành gia thất, không biết có phải vậy không?
Còn bữa trời rải sương mù trên đỉnh núi thấp Hàm Rồng, chú Thứ phải kè xốc tôi lên từng bậc cấp, với những tiếng cười vui lạnh cóng của dì Huyền, Thầy Thụ, và Cha Quản Hạt không thể nào quên. Mấy Cha con quây quần chụp ảnh bên khóm hoa, lều cỏ, và cây hình tượng trang trí cho vùng du lịch sinh thái chưa có bàn tay nhân tạo can thiệp nhiều. Đứng trên Hàm Rồng nhìn xuống thị trấn Sapa như một bức tranh “khảm” hồng lác đác trắng, vàng, phố xá giữa thung lũng xanh đẹp đến rung lòng!
Từ giã Sapa, câu thơ anh Công còn đuổi theo tôi về Hà Nội. Ngồi trên xe lưu luyến cái bắt tay như còn nóng hổi thì anh Công điện thoại đọc bài thơ tiễn biệt, khiến tôi chạnh lòng cả mấy tháng về đây. Đã vậy chú Tác và Anh Công, mỗi lần hội ngộ anh em nghệ sĩ nào đến với Sapa, hay có cuộc vui gì đó, cũng gọi điện thoại vào bảo tôi ca một câu vọng cổ, hay đọc bài thơ “hôi” cho các anh cười rộ … Chẳng biết đứa nào “chơi cha” dám sửa bài thơ hay của nhà thơ ẩn danh TTKH một đoạn:
Thuở ấy người hay vuốt tóc tôi
Mỉm cười trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng hoa dáng như tim nở
Anh sợ tình ta cũng thế thôi
thành ra:
Thuở ấy người hay nói với tôi
Bảo rằng không tắm đã lâu rồi
Làm ơn đi tắm dùm anh nhé
Cho mối tình ta cũng đỡ hôi.
Để cho các anh cười đã đời khi nghe tôi đọc… Nhưng không sao… Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Kẻ sửa thơ chắc cũng muốn chống… già thôi. Chỉ có lợi cho anh em mình trong những ngày vui ngắn ngủi ở Sapa. Kỷ niệm cứ làm tôi nhớ nhung như “một cuộc tình đã lỡ”. Khao khát Sapa còn nhiều lắm.
Cha Xứ, anh Công, chú Tác cũng hiểu và ủng hộ tôi trở lại. Nhất là trở lại đúng vào dịp Khánh thành Nhà Thờ Hầu Thào nơi đã cho tôi nhiều tỉnh thức.
Nhưng, ở đời có những “dở dang” mà đẹp một đời! Biết đâu tôi cũng giống như con quái vật tình yêu, “sống” trong đói khát, mà “chết” trong no đầy.
Thôi thì cứ để cho cái “chưa trọn vẹn Sapa” kia là “tình yêu xanh mãi” trong bài viết này. Bài viết đầy lòng biết ơn Chúa, biết ơn Cha Bố, và tất cả những ân nhân tôi nhắc đến , hay còn ẩn trong góc lòng thầm nhớ… đã thương yêu giúp đỡ tôi trong một chuyến đi hạnh phúc tuyệt vời. Lời khẩn cầu của một bông hoa dại, xin Chúa ban bình an cho tất cả, và trái đất “xanh thêm những tình yêu”.
Cần thơ, 22 – 7 – 2011