Thứ sáu, 22/11/2024

Hành Trình Mục Vụ Tại Tỉnh Lai Châu Ngày Cuối (28.11.2015) : Huổi Bắc

Cập nhật lúc 01:16 03/12/2015
Đây là chuyến mục vụ thứ hai trong năm nay tại tỉnh Lai Châu (chuyến đầu vào tháng 3), nhằm mục đích thăm viếng và khích lệ lòng tin của các cộng đoàn ở những nơi xa xôi nhất của giáo phận, đồng thời cũng để trao đổi với chính quyền địa phương về vấn đề sinh hoạt tôn giáo của bà con giáo dân.
Hôm nay là ngày cuối cùng trong chuyến mục vụ tỉnh Lai Châu, chúng tôi đến với cộng đoàn H’Mông tại Huổi Bắc, xã Pha Mu, huyện Than Uyên. Còn nhớ lần thăm trước đầy ấn tượng về lòng mộ đạo của bà con vào tháng 3.2015, nên quả thật chúng tôi mong đợi ngày hôm nay.
Đường từ thị trấn Tân Uyên đến Huổi Bắc dài 80 cây số, chia thành hai đoạn. Sau khi vượt 40 cây số ngang qua cánh đồng Mường Than thì đến thị trấn Than Uyên. 40 cây số còn lại, xe cứ dọc theo lòng hồ thủy điện Bản Chát vào đến xã Pha Mu. Đường đi một bên là biển nước mênh mông xanh ngắt, một bên là vách núi cheo leo hiểm trở, viễn khách mặc tình thả hồn vào phong cảnh thần tiên để chiêm ngưỡng và thán phục kỳ công của Đấng Tạo Hóa.
Mường Than gợi nhớ câu truyền khẩu về bốn cánh đồng rộng lớn vùng Tây Bắc : “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” : Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái), Mường Than (Than Uyên, Lai Châu) và Mường Tấc (Phù Yên, Sơn La). Đây là những vựa lúa cung cấp loại nếp dẻo thơm ngon nổi tiếng.
Qua giòng biến thiên của lịch sử, Than Uyên như “tấm lụa đào” hết thuộc Hoàng triều cương thổ, lại thuộc khu tự trị Thái-Mèo, rồi thuộc tỉnh Nghĩa Lộ, tỉnh Hoàng Liên Sơn,  tỉnh Lào Cai, và kể từ 2003, thuộc tỉnh Lai Châu. Có 9 dân tộc anh em chung sống trên mảnh đất này, gồm Thái, Kinh, H’Mông, Khơ Mú, Dao, Tày, Lào, Cao Lan, Nùng, trong đó Thái đông nhất, hơn 70%.
Như tại các nơi khác ở Lai Châu, tôn giáo vẫn còn là khái niệm mơ hồ, có chăng tín ngưỡng dân gian tiềm tàng nơi các dân tộc ít người ở đây. Những người H’Mông công giáo đều từ các nơi như Lào Cai, Sapa, Mù Cang Chải… di dân qua đây sinh sống. Ở Huổi Bắc có chừng 500 anh chị em công giáo H’Mông. Thật tội nghiệp cho họ, bởi bao năm nay họ không được nâng đỡ về đời sống đạo, nhưng họ rất đáng phục vì vẫn giữ được đức tin. Họ còn đáng thương vì cuộc sống cơ cực nghèo nàn.
Sau khi chào thăm chính quyền xã, chúng tôi vào gặp anh chị em đang chờ sẵn. Vì thời giờ có hạn, lại nhiều việc phải làm, nên chúng tôi khởi động ngay. Hôm nay vắng cha Bình và cha Bằng, chỉ còn đức cha, cha Quyền và cha Thi. Thế là trong khi cha Quyền rửa tội cho người lớn thì đức cha và cha Thi giải tội. Trong thánh lễ, đức cha ban bí tích Thêm Sức cho các tân tòng. Cuối lễ, trong khi cha Thi xức dầu bệnh nhân cho các người già, thì đức cha và cha Quyền rửa tội cho trẻ em. Tổng cộng hơn 50 người gia nhập đạo. Thánh lễ cử hành bằng hai thứ tiếng. Các dì Hiên, Hiệp và anh chị em Than Uyên phụ trách ca hát. Chắc Chúa Thánh Thần phải làm việc tối đa ở đây, vì việc lãnh nhận bí tích nào có được chuẩn bị chu đáo, việc cử hành cũng vội vội vàng vàng, và sau đó Ngài còn phải thay chúng tôi săn sóc mục vụ cho những anh chị em H’Mông này.
Sau thánh lễ, chúng tôi phải giã từ anh chị em H’Mông đáng mến. Chúng tôi hứa lễ Giáng Sinh năm nay sẽ lo liệu có cha đến dâng lễ cho anh chị em. Rồi giữa bao bịn rịn, chúng tôi đành phải ra về, dù bữa cơm trưa đã dọn sẵn. Không phải chúng tôi chê đâu, mà vì còn phải ghé thăm anh chị em công giáo ở thị trấn Than Uyên, và vượt 150 cây số trở về Sapa kịp dâng lễ tối khai mạc mùa Vọng.
Tại thị trấn Than Uyên, chúng tôi gặp gỡ một số bà con công giáo người Kinh. Con số người có đạo ở đây vừa khiêm tốn, vừa chưa thể qui tụ lại với nhau. Phải nhìn nhận áp lực xã hội rất nặng nề trên người có đạo, khiến họ hoặc sợ sệt mà giấu diếm mình có đạo, hoặc chấp nhận sống bên lề xã hội, mưu sinh bằng nghề tự do. Nhiều người vì muốn tiến thân trong xã hội, làm công chức, buộc lòng phải gác niềm tin sang một bên ! Con cái sinh ra không được rửa tội, không được học giáo lý. Và cứ thế, đạo mai một đi. Có cha kể chuyện một bà mẹ không cho con rửa tội, viện lẽ để sau này lớn lên nó kiếm được việc làm ! Một sự lo xa tới hai mươi năm, nhưng tiếc là không lo xa đến đời đời !
Kết thúc chuyến mục vụ tại Lai Châu, chúng tôi không khỏi trăn trở nhiều điều. Trong hoàn cảnh hiện tại, thật không dễ làm điều muốn làm để vun trồng đức tin cho anh chị em có đạo ở những nơi xa xôi đầy thách đố này, “lực bất tòng tâm” ! Chúng tôi nghĩ đến những phương án cần làm, để ngọn nến thắp lên trong lễ rửa tội không bị gió bão vùi dập làm tắt ngúm. Trên hết, vẫn là lòng tin tưởng phó thác cho Chúa quyền năng, Đấng hằng yêu thương con cái Ngài, nhất là những tâm hồn đơn sơ bé mọn.
Xin cám ơn anh chị em ở các nơi chúng tôi đã đến thăm. Xin Chúa hiện diện và đồng hành với anh chị em trong mọi hoàn cảnh. Với cả tấm lòng, chúng tôi xin hát tặng anh chị em : “Có Chúa đi với tôi, tôi sẽ không còn sợ chi ! Có Chúa đi với tôi, tôi sẽ không còn thiếu gì. Dù trời tăm tối, bước đi không lo lạc lối. Dù đường nguy nan, không chút vấn vương tâm hồn !”              






Mong mỏi chờ đợi Đức Cha










Dọn mình cách tốt nhất để bước vào năm phụng vụ mới




Cha Giuse Đỗ Tiến Quyền rửa tội cho dự tòng trước thánh lễ




Nhận lãnh 7 ơn Chúa Thánh Thần




Cha Antôn Lê Văn Thi xức dầu cho người già và bệnh nhân


Nhiều em nhỏ cũng được gia nhập Hội Thánh Chúa trong ngày hôm nay









Bịn rịn giờ phút chia tay
 
BTT giáo phận Hưng Hóa
Thông tin khác:
Video Giáo Xứ Sapa Đón Đức Khâm Sứ Toà Thánh - Ngày 18.02.2024
GIỜ LỄ (TIMES OF MASS)
NGÀY THƯỜNG (WEEK-DAYS): 19:00

CHÚA NHẬT (SUNDAY): 09:00; 19:00

Chầu MTC: Thứ Năm trước thánh lễ *
* Adoration of Sacrament: before Mass on Thursday *

Giải tội trước và sau thánh lễ *
* Confessions before and after Mass *
LIÊN KẾT
Tiêu điểm
Thánh ca & Nhạc công giáo
Tâm sự chiếc áo dòng
Bài thánh ca buồn
Mùa đông năm ấy
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.sapachurch.org!
log