Chia tay Mậu Đông, cha đặc trách cùng mọi người ghé thăm giáo xứ Yên Hợp, nơi anh Giuse Nguyễn Kim Cương đang làm chánh xứ. Tiếc thay khi mọi người đến nơi thì anh lại đang có mặt tại Sàigòn. Mọi người sau ít phút viếng Thánh Thể, dạo vòng quanh giáo xứ quyết định chuyển hướng, thẳng đường Sapa trực chỉ. Cha Giang phải nhờ ông thư ký của giáo xứ làm người hướng đạo vì trong xe tất cả mọi người đều là “lần đầu tiên”. Hôm nay là thứ năm 15 tháng 01. Sau hơn 3 giờ ngồi xe, mọi người nghỉ tại Lào Cai, cách thị trấn Sapa 35km. Trưa nay, thể theo lời yêu cầu của mọi người, cha Đặc trách đồng ý cho mọi người thưởng thức món lạ, lần đầu tiên được biết, món lẩu cá tầm.
Fr. Giang từng Xức Dầu bệnh nhân gần cột mốc này, cách giáo xứ nơi anh đang công tác gần 100km
phút thư giãn... vất vả
cả nhà cùng quây quần thưởng thức món ăn lạ
Đúng 14giờ, lại tiếp tục lên đường. Bắt đầu vào chân đèo Sapa, chào đón mọi người là những cụm mây là là che khuất mặt người. Đoạn đường đèo chỉ hơn kém 25km, thế mà phải đến gần 2giờ mới tới trung tâm thị trấn Sapa. Điều mắc cười đáng nói là xe đã dừng ngay trước cửa nhà thờ Sapa, ngôi nhà thờ nổi tiếng từ bao thời vì nét đẹp cổ kính đáng yêu, thế mà cha Giang phải vời hỏi một anh người H’mông đường vào nhà xứ vì mây mù không thể nhìn xa hơn 10m.
cha xứ Phêrô Phạm Thanh Bình, Đaminh Dòng 4...!..?... chào đón đoàn
cha xứ và cha Giuse Thịnh bên hông nhà thờ
Trước đây nhà thờ Sapa được cha thừa sai MEP – Jean Idiart Alhor (Cố Thịnh) xây cất và là chánh xứ. Năm 1948, cha bị kẻ gian giết chết bằng cách cắt đầu, ngay trong ngôi thánh đường cổ kính này. Đầu của cha bị vứt vào cánh rừng phía núi, sau nhà thờ. Sau 1 tuần, những người dân tộc tìm được thủ cấp của ngài, đưa về chôn cất cùng thi thể. Kể từ đấy, nhà thờ bị bỏ trống. Khu nhà xứ bị nhà nước trưng thu là nhà sinh hoạt, trường học. Hiện nay, tuy đã trả lại cho nhà thờ, nhưng vẫn còn 1 phòng vì người dân vẫn chưa chịu trả lại. Năm 1995, sau gần 50 năm im tiếng, tiếng chuông đồng của nhà thờ lại vang lên, quy tụ bà con giáo dân quây quần thờ phượng Chúa. Nhà thờ này, hiện được cha Phêrô Phạm Thanh Bình quản nhiệm. Cha được bổ nhiệm về đây từ năm 2006. Phía sau phần mộ hiện còn phần mộ của vị giám mục tiên khởi của giáo phận, đức cha Paul Ramond (đức cha Lộc) và vị quản xứ tiên khởi, cha Jean Idiart Alhor (Cố Thịnh)
kính viếng trước mộ phần của vị Giám mục tiên khởi của giáo phận và cha chánh xứ tiên khởi
Theo lời cha xứ, hiện có khoảng 2.000 bà con giáo dân, chủ yếu là người H’mông, số ít khoảng 200 là người kinh. Địa bàn của giáo xứ trải rộng, bán kính khoảng 100km, kéo dài tận Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Hiện có 2 dì phước thuộc dòng MTG địa phận đang giúp cha trong mục vụ. Khí hậu vùng cao nguyên này thường xuống thấp âm độ về đêm. Những ngày mùa hè thường là 16-19 độ. Bắt đầu trở rét từ lễ Các Thánh đến Phục Sinh. Thời tiết khắc nghiệt khiến cho băng giá thường xảy ra, gây thiệt hại nhiều về tài sản cho người dân.
cung thánh thánh đường Sapa
Bữa cơm tối thân tình được cha xứ khoản đãi nhiệt tình. Theo cha, vì khí hậu quá lạnh nên món thường xuyên được nhà xứ tận dụng. Tối nay, đặc sản của địa phương được bày biện là lẩu gà chọi cùng rượu táo mèo. Tiếc là thời gian quá gấp nên mọi người không được thưởng thức món truyền thống, món Thắng Cố, của vùng này.
bên nồi lẩu nghi ngút khói, thế mà môi người vẫn co ro vì giá buốt
Cha xứ : địa bàn của con bán kính khoảng 100km, kéo dài tận Sơn La, Lai Châu, Điện Biên...
Được sự đồng ý của cha xứ, thánh lễ tối nay đồng tế 6 cha. Đây là lần đầu tiên anh em Đaminh dâng thánh lễ đông thế này tại vùng sơn cước hẻo lánh này. Trời càng về khuya gió càng lạnh và buốt. Khoảng 80 bà con giáo dân tham gia, một số là các em người dân tộc, được cha xứ nuôi học, số khác là bà con giáo dân Kinh và phần con lại là khách du lịch.
hình lưu niệm với các em dân tộc nội trú hầu hết là dân tộc H'mông
Trước khi ban phép lành cuối thánh lễ, cha xứ khiến mọi người ngạc nhiên khi ngài nhận mình là “Đaminh dòng 4”. Trước đây, vào thời khó khăn, ngài cùng 12 người được Đức cha sai vào Sàigòn tu học. Phần lớn thời gian ngài được thụ huấn với các cha Đaminh như Cố Liêm, cha Đẩu, cha Hiệu (bề trên tu viện Albertô), cha Trung (bề trên tu viện Mân Côi), cha Viễn… và ngài cảm ơn vì mầu nhiệm hiệp thông đang diễn ra tại vùng đất xa xôi này. Sự hiệp thông trong tình huynh đệ, hiệp thông trong chức linh mục và sự cảm thông với người đang đứng nơi đầu gió.
cha xứ đang kể lại kỷ niệm xa xưa, ngày còn là du học trong miền Nam, từng được thụ huấn với cha Cố Liêm, cha Cố Đẩu, cha Viễn, cha bề trên Tất Trung, cha bề trên Hiệu... tại nhà thờ Ba Chuông (cũ)
Sau thánh lễ, cha đoàn người miền xuôi được cha quản xứ mời dạo Sapa by night thể thưởng thức vị ngọt lạnh của phố núi về đêm. Cha cho biết, tối nay khí hậu xuống 2 độ. Ngang hông nhà thờ là dãy hàng nướng: thịt ngựa, cá, trứng, khoai, đậu hũ, hạt dẻ, mía, cơm lam… để khách du lịch dừng chân thưởng lãm.
Sapa by night
thánh đường về đêm
Sau phút hàn huyên trong 1 quán trà nổi tiếng tại thị trấn, mọi người được nghỉ tại phòng tập thể của giáo xứ. Nơi này trước là phòng họp, hiện là phòng sinh hoạt của quý dì. Trời về khuya, đường xa mệt mỏi, mọi người chìm vào giấc ngủ nhanh chóng.
Một cuộc bình chọn nhỏ cho ai có tiếng ngày lạ, gây tác động nhất trong phòng. Kết quả cha Huấn và cha Duy Duy được chọn đồng giải nhất.
Để tranh thủ thời gian vì những ngày cuối tuần các anh rất bận việc mục vụ tại địa phương, cha Giuse Thịnh quyết định lên đường về xuôi lúc 4giờ sáng trong giá rét nhức xương. Đi trong sương sớm mới cảm nhận được sự hy sinh cao cả của những người đang phục vụ tại địa phương này.
Xin chào Sapa, miền đất Tây Bắc hiền lành. Kính chúc những Sứ Giả Tin Mừng luôn vững chân đạp giá sương buốt giá để mang ánh sáng niềm hy vọng đến miền đất địa đầu tổ quốc.
thưởng thức món nướng của bà con dân tộc
gia đình người đàn bà này chỉ có thức ăn ngày nào bà bán được sản phẩm
mua hàng mới được chụp hình, không mua mà chụp là 10ngàn...
lang thang phố núi
giá lạnh không từ bất cứ ai...