Từ thời xa xưa, vào năm 1798, tại nơi này, Đức Mẹ đã hiện ra để gặp gỡ an ủi những tín hữu đang lánh nạn vì cuộc bắt đạo tàn khốc… Câu chuyện La Vang xưa mà không cũ. La Vang là sự kiện của quá khứ nhưng cũng là của hiện tại, là chuyện của hôm qua mà cũng là chuyện của hôm nay. Thực thế, tình mẫu tử của mẹ dành cho con có bao giờ là xưa cũ. Tình hiền phụ của cha đối với con có bao giờ là lỗi thời, giống như lời ru ầu ơ của mẹ từ thuở còn nằm nôi, đơn sơ là thế, mà đã cùng với ta đi suốt cuộc đời. Mỗi dịp Đại Hội Thánh Mẫu La Vang, việc Đức Mẹ hiện ra để an ủi các tín hữu đang chịu bách hại lại được tái diễn, ấy vậy mà mỗi lần diễn lại, câu chuyện ấy vẫn mới, vẫn làm nao lòng người. Đó là câu chuyện của ngày xưa, nhưng lại ảnh hưởng đến những vui buồn nhân thế hôm nay. Mỗi dịp Đại Hội, câu chuyện ấy lại mang một nét mới, lại để lại những dấu ấn, những cảm nghiệm rất riêng tư và sâu đậm nơi lòng người tham dự.
Cách đây 213 năm, Đức Mẹ đã đến thăm con dân Việt Nam trước khi Mẹ đến Lộ đức (1858), trước khi Mẹ đến Fatima (1917). Điều này cho thấy Mẹ Thiên Chúa đã dành cho Giáo Hội và Dân tộc Việt Nam những ưu ái đặc biệt. Trước những đau khổ của các tín hữu công giáo Việt Nam, Mẹ đã đến để an ủi và nâng đỡ họ. Dấu ấn của Mẹ như còn đậm nét đâu đây, vì vậy mỗi người hành hương đến nơi này đều cảm nhận những điều rất thiêng liêng và thấy lòng ấm cúng lạ thường.
Với sự trình diễn của 2000 diễn viên gồm nữ tu, ca viên, và đại diện các thành phần dân Chúa về những năm tháng đau thương nhưng hào hùng của lịch sử Giáo Hội Việt Nam lại được tái hiện vào tối 5.1.2011 tại miền đất linh thiêng này. Sự phối hợp giữa ánh sáng, âm thanh và cử điệu đã tạo nên một màn trình diễn đầy ấn tượng. Mọi người tham dự được mời gọi trở về với thời xa xưa, với những nông dân nghèo lam lũ nhưng an vui với cuộc sống thôn dã, sớm chiều lần hạt mân côi, cầu nguyện và sống đức tin. Thế rồi cơn bách hại xảy đến, đàn chiên nhỏ bé tan tác chạy trốn vào núi rừng. Bệnh tật, sợ hãi, đói khát… đã làm nhiều người quỵ ngã. Chính trong cảnh tan tác này, Mẹ đã đến như gà mẹ ấp ủ đàn con dưới cánh. Mẹ đã khích lệ họ, ban cho họ sức mạnh để họ vươn lên giữa những thử thách đau thương. Năm 1798 đã ghi đậm dấu chân Mẹ thăm viếng tại nơi linh thiêng này.
Và thế rồi, đã hơn hai trăm năm qua đi, từng đoàn người hành hương từ khắp ba Miền đất nước cũng như từ Hải ngoại vẫn tuôn về bên Mẹ mỗi dịp Đại Hội. La Vang cũng là nơi đón tiếp quanh năm các con cái của Mẹ muốn đến đây cầu nguyện. Nhiều người đã được ăn năn trở lại, nhiều người tìm thấy niềm tin nơi cuộc sống, nhất là được trở về với Chúa trong tình yêu mến và cậy trông. Hai tiếng La Vang đã trở nên linh thiêng nơi lòng mọi người dân Việt.
Nhân dịp bế mạc Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam 2010, La Vang được chọn để cử hành biến cố quan trọng này. Việc cử hành lễ Bế mạc Năm Thánh tại La Vang mang ý nghĩa quan trọng: Giáo Hội Công giáo Việt Nam vào thời điểm kết thúc Năm Thánh muốn phó thác mọi dự tính tương lai của mình nơi Mẹ Thiên Chúa. Nói cách khác, những gì đã được khởi đầu trong Năm Thánh, chỉ có thể tiếp tục và chỉ sinh hiệu quả, nếu có Mẹ cầu bầu. Mọi tín hữu hành hương đến nơi này đều thấy mình được vững vàng trong đức tin, đức cậy và đức mến.
– Mẹ La Vang củng cố chúng ta trong đức tin: những tín hữu lánh nạn vào rừng La Vang để giữ gìn một đức tin trọn vẹn. Vì trung thành với Chúa mà họ từ bỏ gia đình, quê hương và tài sản để đến nơi hoang sơ này. Khách hành hương hôm nay tìm được nơi đây sự kiên vững trong đức tin, mặc cho những chao đảo điên cuồng của cuộc sống. Nhiều chứng từ cho thấy tại nơi này, Mẹ đã đem lại nghị lực cho bao người, giúp họ vững đức tin vào Chúa và tìm lại niềm tin vào con người.
– Mẹ La Vang hướng lòng chúng ta trong đức cậy: những tín hữu công giáo thời xa xưa bị dồn đến chỗ cùng cực: bách hại, đói khát, bệnh tật, nhưng họ không nản lòng. Họ vẫn hy vọng. Tràng hạt mân côi vẫn trên tay. Mẹ đã đến đem cho họ niềm hy vọng. Núi rừng La Vang đã chở che họ. Lá cây La Vang đã chữa họ lành. Người tín hữu hành hương hôm nay cũng tìm được hướng đi cho mình noi gương các tín hữu của thời bách hại. Kiên trì cầu nguyện, nhẫn nại trong gian nan, hy vọng và phó thác… đó là bài học mà Đức Mẹ đang dạy chúng ta.
– Mẹ La Vang khích lệ chúng ta trong đức mến: Mẹ đến thăm con dân Việt Nam xuất phát từ lòng yêu mến đối với các môn đệ của Con Mẹ. Mẹ không dạy hận thù, nhưng dạy tình yêu thương. Tình mến là chìa khóa để mở được mọi cánh cửa. Tình yêu thương là cội nguồn của hạnh phúc. Mẹ đang hiện diện nơi đây, tại La Vang, để dang rộng vòng tay đón khách hành hương, để dạy chúng ta tuân giữ Lời Chúa như Mẹ đã tuân giữ. Mẹ muốn nhắc chúng ta lời của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương anh em”
“Với Mẹ La Vang, chúng ta cùng lên đường loan báo Tin Mừng”. Đây chính là chủ đề của lễ Bế mạc Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam, cũng là Đại Hội La Vang lần thứ 29. Được vững mạnh trong đức tin, đức cậy và đức mến, nhờ lời bầu cử của Mẹ La Vang, chúng ta hãy lên đường. Chắc chắn Mẹ cũng lên đường với chúng ta, đến mọi nẻo đường của cuộc sống hôm nay.
La Vang, ngày 6-1-2011
Giám mục Hải Phòng