Mường Lát là một huyện miền núi phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa. Phía Bắc giáp huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La và Lào. Phía Tây và Nam giáp Lào. Phía Đông và rìa Đông nam giáp huyện Quan Hóa cùng tỉnh. Với đa phần là dân tộc Hmong và Thái, đời sống chủ yếu là trồng rừng và đi làm nương rẫy nên kinh tế thuộc vào diện nghèo của Thanh Hóa. Đường giao thông cách trở vì núi non trùng điệp nhưng tất cả vẫn không ngăn nổi bước chân và lòng nhiệt huyết đến với bà con dân tộc Hmong – những Kitô hữu kiên trung sống đức tin trong những cám dỗ và thử thách nhưng vẫn một mực tin vào Chúa dù đã bị bỏ quên hàng nhiều chục năm vì không có linh mục đến coi sóc và ban bí tích.
ĐƯỜNG VÀO BẢN PA PÚA
Sau khi ngồi xe gần 10 giờ đồng hồ, chúng tôi đến chân núi và bắt đầu chuyển qua xe máy để đi vào bản. Dẫn đầu nhóm là Linh mục Phaolo Đinh Tiến Thảo và thầy Công Hai – những người đã dấn thân cho công tác mục vụ với người thiểu số hơn một năm qua. Trong suốt cả chuyến đi, chúng tôi được cha Thảo và thầy Hai khuyến khích rất nhiều và bày cho những phong tục tập quán của người bản địa cũng như một số câu chào hỏi bằng tiếng Hmong. Nhóm có 12 người, và mỗi người được thanh niên bản địa đèo bằng xe máy.
“Hãy đến mà xem”, đó là một cảm nghiệm mà có thực tế ngồi xe máy hay leo núi mới diễn tả được những hiểm nguy mà người đi đối diện. Lối đi chỉ là một con đường nhỏ, khúc khủy, trơn trượt, dốc đá lởm chởm, một bên là vực sâu một bên là vách núi dựng đứng. Quá trình đi vào bản gặp không ít những khó khăn và gian nan. Có những đoạn vượt đèo và cua tay áo, nếu xe quá đà một chút thì sẽ xuống vực sâu, hoặc có những đoạn đổ dốc mà nếu xe mất phanh thì đi luôn xuống chân núi. Cứ thế, đoàn xe lầm lũi tiến vào bản trong sự lo ngại và thoàng chút sợ sệt của một số người trong đoàn.
Qua năm ngọn núi, cuối cùng chúng tôi cũng đến được bản Papua – một bản có hơn năm trăm nhân khẩu theo Công giáo, qua tìm hiểu chúng tôi được biết những người Hmong ở đây được các nhà thừa sai truyền giáo và gây dựng thành các cộng đoàn, nhưng do thời thế, nhiều bản trong số họ đã bỏ núi rừng di cư qua các vùng khác hoặc bị xóa hết dấu tích công giáo do một khoảng thời gian dài không có linh mục coi sóc. Giáo phận Thanh hóa trước đây có 6 giáo xứ tại các vùng núi này, nhưng cũng đã bị “xóa sổ” theo những thăng trầm của lịch sử.
Vào đến bản, chúng tôi được bà con đón chào cách nồng nhiệt bằng những tràng pháo tay và cái bắt tay nắm chặt, bằng ánh mắt ngơ ngác của các em nhỏ, bằng những câu chào lơ lớ tiếng kinh…
Sau khi nghỉ ngơi và phát một số bánh kẹo cho các em nhỏ, chúng tôi bắt đầu dâng lễ tạ ơn cùng bà con ở đây – một thánh lễ được dâng giữa trời đất núi rừng Tây Bắc; một thánh lễ được làm bên vách nhà, bàn thờ được làm bằng gốc cây rừng, khăn bàn thờ là một tấm vải đã sờn cũ; một thánh lễ lộ thiên vì ở đây họ quá nghèo không có điều kiện để làm một mái nhà hội chung; một thánh lễ tuy là “người một nhà” nhưng phải có người phiên dịch từ tiếng Kinh qua tiếng Hmong; một thánh lễ mà những người giáo dân ngồi chung với linh mục và các em nhỏ trần truồng không quần áo nhìn các cha bằng ánh mắt ngơ ngác vì đây là lần đầu tiên trong đời họ chúng kiến một thánh lễ có 9 cha cùng đồng tế; một thánh lễ mà cả linh mục lần giáo dân đều rưng rưng lệ theo những cảm nhận riêng của mỗi người, giáo dân rưng lệ mừng vì họ nhận được sự quan tâm săn sóc của quý cha, nhận được tình mục tử mà bấy lâu họ hằng khao khát, các cha thì rưng lệ vì cảm thương những hoàn cảnh vất vả và điều kiện sống quá khó khăn, quá nghèo, nhưng họ vẫn một mực tin vào Chúa, trung thành với đức tin Công giáo dù nhiều bản làng trong số họ đã theo các anh em Tin Lành hoặc bỏ đạo.
THÁNH LỄ ĐỒNG TẾ GIỮA NÚI RỪNG TÂY BẮC
Sau thánh lễ chúng tôi chụp hình lưu niệm cùng mọi người ở đây và tập trung phát quà cho bà con dân bản, một số cha đi thăm các gia đình để hiểu thêm hoàn cảnh sống và những tập tục sinh hoạt của người Hmong.
CHỤP HÌNH LƯU NIỆM CÙNG ANH CHỊ EM GIÁO HỮU NƠI ĐÂY
Tối đến chúng tôi được ưu tiên ngủ trong một căn nhà “sang trọng” nhất bản với những manh chiếu trải trên nền nhà. Trong đêm, mọi người ai cũng trăn trọc khó ngủ dù đi một quản đường khá dài, một phần vì ở đây nhiều muỗi, một phần xúc động về hoàn cảnh sống thiều thốn của người dân nơi đây.
Sáng hôm sau, mới tinh mơ mọi người đã tập trung lại trước mảnh sân hôm qua để đọc kinh và chờ các cha ra dâng lễ. Anh em chúng tôi lại có dịp cùng bà con dâng thánh lễ thứ hai giữa núi rừng với nhiều kỷ niệm khó phai trong bước đường phục vụ. Sau thánh lễ chúng tôi đi thăm một số gia đình và vội vàng xuống núi để trở về giáo xứ của mình trước khi trời tối, vì đường đi thường xuyên bị sạt lở và có thể nằm lại rừng bất cứ lúc nào nếu gặp trời mưa.
Trên đường trở về mỗi người mang theo một “hành trang” là những dự tính, những ước nguyện, những suy tư và cả những thao thức : Làm sao để thường xuyên đến được với họ, làm sao để họ bớt khổ, làm sao để có điều kiện làm cho họ một căn nhà nguyện nhỏ bằng tranh tre lứa lá, làm sao giúp các em nhỏ được đến trường… làm sao???
Tất cả đều phó thác cho Chúa, tất cả đều phó thác vào sự sẻ chia của những người có điều kiện, tất cả phó thác vào lòng hảo tâm…
“Cũng một kiếp người…”
PHÁT QUÀ...
VÀ ĐI THĂM ĐỂ HIỂU HOÀN CẢNH SỐNG...
NỒI CƠM CỦA MẸ...
MƯU SINH...
ÁNH MẮT TRẺ THƠ... BẠN CẢM NHẬN ĐIỀU GÌ TỪ ĐÓ???
=====> XEM TRỌN BỘ ẢNH SỐ 1 TẠI ĐÂY <====== =====> XEM TRỌN BỘ ẢNH SỐ 2 TẠI ĐÂY <====== |
Vân Sơn
Nguồn: Giáo phận Thanh Hóa