Để có sự hiểu biết và chuẩn bị chu đáo cho việc cử hành bí tích hôn nhân, Giáo xứ Sapa xin Thông báo CÁC THỦ TỤC HÔN NHÂN THÔNG THƯỜNG (Trích tài liệu Hướng dẫn mục vụ Bí tích hôn nhân – Giáo phận Hưng Hóa 2015)
CÁC THỦ TỤC HÔN NHÂN THÔNG THƯỜNG
(Trích tài liệu Hướng dẫn mục vụ Bí tích hôn nhân – Giáo phận Hưng Hóa 2015)
1. Đăng ký hôn nhân
1.1. Trình diện: Đôi bạn trình diện cha quản xứ, trước khi đăng ký kết hôn dân sự.
Khi trình diện, phải có sự hiện diện của bảy người: Cha mẹ hai bên (trường hợp đặc biệt, phải có người thay thế), đôi dự hôn và một vị đại diện Ban hành giáo phụ trách về đức tin hoặc về hôn nhân trong giáo xứ hoặc giáo họ.
1.2. Thời gian: Tính từ ngày đôi dự hôn trình hôn nhân cho tới ngày làm phép cưới, đối với người Công giáo là ba tháng, đối với dự tòng hoặc khác tôn giáo là sáu tháng.
1.3. Nơi cử hành hôn nhân: Đôi dự hôn có thể xin cử hành hôn nhân tại giáo xứ hoặc tại một nơi khác khi có lý do chính đáng, với phép của Đấng Bản quyền riêng hay của cha quản xứ riêng.
2. Giới thiệu
2.1. Cha nào làm giấy giới thiệu: Khi đôi dự hôn xin cử hành hôn nhân bên nữ, cha quản xứ bên nam làm giấy giới thiệu bên nam cho cha quản xứ bên nữ, và ngược lại.
2.2. Hồ sơ hôn nhân: Cha quản xứ nơi cử hành hôn nhân tiến hành và thu thập hồ sơ cần thiết, gồm:
1) Giấy giới thiệu kết hôn
2) Giấy chứng nhận rửa tội không quá 06 tháng và chứng nhận thêm sức.
3) Tờ khai trước khi kết hôn.
4) Giấy rao và điều tra hôn nhân.
5) Chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận giáo lý hôn nhân.
6) Giấy đăng ký kết hôn dân sự.
7) Giấy miễn chuẩn ngăn trở hay hôn nhân khác đạo, nếu cần.
3. Học giáo lý hôn nhân
3.1. Các đôi dự hôn buộc phải học giáo lý hôn nhân, cho dù là Công giáo hay không Công giáo. Vì thế, khi đăng ký học giáo lý hôn nhân hoặc khi trình diện, học viên cần phải có giấy chứng nhận đã học xong giáo lý Sống Đạo và giáo lý Thánh Kinh. Nếu giáo xứ chưa tổ chức được các khóa giáo lý nói trên, họ phải được bổ túc về những phần giáo lý này trong thời gian nhất định, trước khi học giáo lý hôn nhân.
3.2. Nơi học: Các đôi dự hôn có thể xin học giáo lý hôn nhân tại giáo xứ riêng của mình hay tại một giáo xứ thuận tiện cho mình. Các cha quản xứ nơi dự hôn có cư sở hay bán cư sở có bổn phận lo liệu cho họ.
3.3. Giáo trình học: Tài liệu đã được Bề trên giáo phận chuẩn nhận.
3.4. Chứng chỉ đã học: Chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận giáo lý hôn nhân là bằng chứng các đương sự đã tham dự khóa giáo lý này.
4. Rao hôn phối
4.1. Cha nào làm giấy rao: Cha quản xứ nơi cử hành làm giấy rao và điều tra hôn nhân, đồng thời gửi cho các cha quản xứ liên hệ.
4.2. Thủ tục rao: Rao ba lần vào ba Chủ nhật, trừ trường hợp có lý do chính đáng được miễn rao.
4.3. Kết quả rao: Các cha đã rao phải gửi lại kết quả rao hôn phối cho cha quản xứ nơi cử hành hôn nhân, cùng lời ghi chú nếu có vấn đề quan trọng hay hoài nghi.
5. Cử hành hôn nhân và những việc liên hệ
5.1. Không phân biệt đối xử: Trong việc cử hành hôn nhân, nên diễn tả tính cách long trọng của lễ cưới ra bên ngoài một cách thích đáng, kể cả việc trang trí thánh đường, hoặc tiếp rước những người sắp kết hôn. Tuy nhiên, không nên có sự phân biệt giữa các cá nhân hay giai cấp xã hội.
5.2. Nghi thức hôn nhân thông thường: Thông thường, phải cử hành bí tích hôn phối trong thánh lễ. Phẩm phục thường dùng là màu trắng hay màu phụng vụ của ngày lễ, và cử hành lễ có nghi thức riêng “lễ hôn phối”.
Gặp những ngày lễ bậc từ 1-4 trong bảng xếp hạng các ngày phụng vụ, thì sử dụng bản văn và các bài đọc của ngày lễ hôm ấy, tuy nhiên vẫn đọc lời nguyện chúc hôn và cũng có thể sử dụng công thức ban phép lành cuối lễ dành cho lễ hôn phối.
Các Chủ nhật mùa Giáng sinh và Thường niên, khi cử hành hôn nhân, trong thánh lễ dành cho cộng đoàn giáo xứ, thì phải cử hành lễ Chủ nhật.
Tuy nhiên, vì phụng vụ lời Chúa dành để cử hành hôn nhân có sức mạnh lớn lao trong việc giáo huấn về chính bí tích Hôn phối cũng như về bổn phận của vợ chồng, nên khi không cử hành “lễ hôn phối”, cũng có thể đọc một trong những bài Thánh Kinh dành cho việc cử hành hôn nhân.
Nếu cử hành hôn nhân vào ngày mang tính sám hối, đặc biệt là mùa Chay, cha quản xứ nên nói cho những người sắp kết hôn biết tính chất riêng biệt của ngày đó. Phải tuyệt đối tránh không cử hành hôn nhân vào Thứ sáu và Thứ bảy Tuần Thánh.
5.3. Nghi thức hôn nhân hỗn hợp: Hôn nhân giữa một người Công giáo và một người có rửa tội ngoài Công giáo, phải sử dụng nghi thức ngoài thánh lễ, trừ khi cần thiết và có phép của Đấng Bản quyền địa phương.
5.4. Nghi thức hôn nhân khác đạo: Hôn nhân của một người Công giáo với một người dự tòng hay chưa rửa tội, thì dùng nghi thức hôn nhân khác đạo: không làm trong thánh lễ, và cũng không trao Mình Thánh Chúa cho bên Công giáo trong chính nghi thức cử hành hôn nhân này.
5.5. Các đôi bạn Công giáo “lỡ làng”: Các cha quản xứ cần lấy lòng bác ái mục tử lo liệu thánh lễ cho họ cách nào đó.
5.6. Giấy thông báo kết hôn: Sau khi cử hành hôn lễ, cha quản xứ nơi cử hành phải gửi giấy thông báo kết hôn cho cha quản xứ nơi đương sự đã rửa tội, để ghi vào sổ rửa tội, và nên gửi cho các cha quản xứ liên hệ như cha quản xứ bên nam hoặc bên nữ, hay cả hai cha quản xứ trong trường hợp đôi bạn cử hành hôn nhân ở nơi khác.
5.7. Cấp sổ gia đình Công giáo: Cha quản xứ có quyền chứng hôn cấp sổ gia đình Công giáo.
5.8. Kết hôn giả: Không thể chấp nhận việc giả vờ kết hôn dân sự với một người nào đó, vì lý do để được bảo lãnh ra nước ngoài hay những lý do khác.
Tải về bản văn PDF <<TẠI ĐÂY>>
Ngoài ra, những chi tiết về việc tổ chức các khóa học và những hướng dẫn cụ thể, xin tìm hiểu thêm <<TẠI ĐÂY>>.Giáo xứ Sa Pa