Trung tâm Mục vụ Hà Thạch Thứ Sáu ngày 15.4.2016,
Hôm nay là ngày thứ năm trong tuần thường huấn các linh mục giáo phận Hưng Hóa và là ngày làm việc chính thức cuối cùng. Ngày mà theo chương trình linh mục đoàn sẽ dâng lễ tạ ơn về những ơn lành Chúa đã thương ban cho giáo phận.
Ngay đầu lễ, lúc 5g30, Đức cha Gioan Maria Vũ Tất đã ngỏ lời cùng cộng đoàn phụng vụ: “Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân lành vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Cho dù chúng ta bất xứng nhưng do lòng thương xót và tình thương của Chúa, Ngài vẫn ban cho giáo phận chúng ta hết ơn này đến ơn khác. Chúng ta hãy cầu nguyện cho giáo phận luôn biết cậy trông vào tình thương của Chúa và cùng nhau ra đi loan báo Tin Mừng tình thương đó cho hết mọi người”.
Chia sẻ trong Thánh lễ, Đức cha phụ tá đưa ra 2 sự kiện: ông Phaolô quê ở Taxô và Đức Giêsu quê ở Nagiaret. Ông Phaolô là người yêu mến Thánh Kinh nhưng lại nhiệt thành chống đối những ai không đi theo Đạo truyền thống. Chỉ sau biến cố Đamas, ông mới trở lại Đạo Chúa, được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và nhiệt thành rao giảng Tin Mừng dân ngoại. Ông đã trở thành vị Tông đồ dân ngoại. Ông Giêsu là con ông Giuse và bà Maria. Ngài đi rao giảng về Nước Thiên Chúa cho nhiều người nhưng lại gặp nhiều chống đối. Đặc biệt, khi Ngài nói: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống” (Ga 6, 56).
Là Linh mục chúng ta cũng sẽ bị chống đối khi làm công tác truyền giáo nhưng không vì thế mà chúng ta không mạnh dạn lên đường. Truyền giáo là một sứ mệnh cao cả và gắn liền với hy sinh, thậm chí cả mạng sống của mình nữa. Giáo Hội đang cần những linh mục như thế đó.
Trong buổi chia sẻ sáng nay, Đức cha Anphong nói về đề tài “Tương quan với tín hữu (giữ đạo và không giữ đạo)”.
- Với những tín hữu giữ đạo:
Đức cha đề cập đến tới việc linh mục cần tránh hai khuynh hướng: chủ nghĩa giáo sỹ trị và giáo sỹ hóa giáo dân. Chúng ta được mời gọi tham dự vào chức linh mục để phục vụ chứ không phải làm “cha chú” người khác. Vì thế, chúng ta cần phải có thái độ sao cho phù hợp với đòi hỏi của Tin Mừng.
Ngày nay, giáo dân có nhận thức khá cao so với trước nên người ta biết được các linh mục phục vụ như thế nào và nâng đỡ họ ra sao? Linh mục cần phải phục vụ vô điều kiện với tình yêu chân thật. Hơn nữa, linh mục cần phải tạo điều kiện cho các tổ chức hay phong trào giáo dân phát triển và tham gia vào các công việc của giáo xứ. Muốn công việc này tốt, cha xứ cần phải đào tạo, huấn luyện giáo dân để họ có khả năng và hiểu biết tương xứng với việc được giao phó.
- Với những tín hữu không giữ đạo: Cha xứ cần phải viếng thăm mục vụ để biết giáo dân như thế nào. Ai là người đang sống đạo và ai là người lơ là với đạo để đưa ra được đường hướng phù hợp với tình hình thực tế. Nhiều người đã được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy nhưng vì lý do này lý do khác họ đã không sống đạo. Chúng ta cần quan tâm và tạo điều kiện giúp họ trở về với Chúa.
Buổi chiều, Đức cha Anphong chia sẻ đề tài “Tương quan với người chưa biết Chúa, tức truyền giáo”.
Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội nhưng hiện nay hai từ truyền giáo vẫn còn mang tính thời sự. Ở Việt Nam, con số 7% người Công Giáo vẫn từ lâu mà không có biến chuyển. Chúng ta nói đến truyền giáo mà không biết bắt đầu từ đâu. Riêng đối với giáo phận Hưng Hóa, có nhiều công tác truyền giáo nhưng chưa đồng bộ hay chưa có chiến lược rõ ràng. Đức Thánh cha Phanxicô muốn Giáo Hội phải đi ra những vùng ngoại biên chứ không phải đóng cửa lại.
Sau khi chia sẻ xong đề tài, Đức cha phụ tá mời cha Piô Ngô Phúc Hậu đang nghỉ hưu tại Tòa Giám Mục Hưng Hóa nói chuyện và bổ sung đề tài. Cha là nhà truyền giáo hàng đầu của Việt Nam. Cha chia sẻ rất thẳng thắn về tái Phúc Âm hóa. Ngài nói: “Tái Phúc Âm hóa là chuyện khôi hài vì mình đã làm sai ý của Đức Giêsu thì mình sửa cho đúng”. Muốn làm cho tốt về truyền giáo thì xin quý cha đọc kỹ Tin Mừng theo thánh Luca chương 10. Luca chương 10 lần đầu tiên và duy nhất nói Đức Giêsu hớn hở vui mừng. Vì thế, khi đọc xong chương này, chúng ta sẽ thấy phương pháp truyền giáo, nội dung truyền giáo, tinh thần truyền giáo. Thật là sâu sắc và hấp dẫn! Đúng như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói về truyền giáo: “Tân Phúc Âm hóa là bằng phương pháp mới, nhiệt huyết mới và cách diễn đạt mới”.
Cả hội trường vang lên những tràng pháo tay tán thưởng cha cố Piô, một người đã dùng cả đời mình để dấn thân cho công cuộc truyền giáo.
Buổi tối, cha Giuse Nguyễn Văn Hạnh chủ sự giờ chầu Thánh Thể. Tạ ơn Chúa vì những ơn lành trong suốt tuần thường huấn. Tuần thường huấn chính thức kết thúc sau giờ chầu Thánh Thể.
Nhân dịp này, Đức cha cũng muốn chia sẻ và thống nhất một số việc trong giáo phận, đặc biệt một số nơi cần bổ nhiệm linh mục phụ trách mới. Nhưng vì thời gian có hạn, danh tính của các cha thuyên chuyển đợt này vẫn chưa được công bố.
Đức cha đề nghị mỗi cha đi thăm giáo dân 6 tiếng một tuần và đã được các cha biểu quyết.
Phép lành Thánh Thể.