Lai Châu: hy vọng trong thử thách
Chuyến viếng thăm mục vụ đầu tiên của Đức Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa nhằm củng cố Đức tin và đem lại niềm hy vọng cho cộng đoàn Công giáo Lai Châu xa xôi sau nhiều năm gian khó.
Lai Châu - Chuyến viếng thăm mục vụ đầu tiên của Đức Giám mục Phụ tá giáo phận tới Lai Châu đã củng cố đức tin và đem lại niềm an ủi hy vọng lớn lao về sinh hoạt tôn giáo ngày càng trở thành bình thường hóa cho cộng đoàn Công giáo nơi đây sau năm gần 5 năm hình thành và phát triển trong gian nan.
Đức tân Giám mục Gioan Maria Vũ Tất của giáo phận Hưng Hóa rộng lớn đã có chuyến viếng thăm mục vụ đầu tiên với tư cách là Vị Mục tử tới các giáo xứ và Cộng đoàn Công giáo thuộc các tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên từ ngày 20 đến 25 tháng 8 năm 2010, cùng đi tháp tùng trong chuyến hành trình xa xôi vượt đèo cao suối sâu dài khoảng 700 km với Ngài có 17 linh mục, chủng sinh, nữ tu và giáo dân.
Mục đích chính chuyến thăm của vị Giám mục 66 tuổi là thăm viếng an ủi động viên giáo dân, cử hành thánh lễ, ban bí tích Thêm sức và chào thăm chính quyền địa phương một số nơi.
Đặc biệt tại Lai Châu dịp này mặc dù chính quyền địa phương chưa chấp thuận cho cử hành bí tích Thêm sức vào ngày 22 tháng 8 như dự kiến, nhưng Ngài đã long trọng cử hành thánh lễ Chủ Nhật với hơn 500 người Công giáo địa phương tham dự, trong đó có đại diện chính quyền xã San Thàng và thị xã Lai Châu lần đầu tiên tham dự thánh lễ, trước đó trên đường đi Ngài và đoàn đã dừng chân viếng thăm một giáo điểm truyền giáo mới hình thành tại thị trấn Bình Lư, huyện Tam Đường, ước tính có khoảng 100 giáo dân đang hình thành và qui tụ nhau sinh hoạt tôn giáo tại nhà tư, Ngài cũng chào thăm xã giao Ủy ban Nhân dân xã San Thàng và tỉnh Lai Châu.
Trong bài giảng lễ Chủ Nhật 21 Mùa Thường Niên, Ngài đã giải nghĩa cho cộng đoàn hiểu về ngày Chủ nhật là ngày của Chúa, Đấng Tạo Hóa, vị Chúa tạo dựng nên Trời Đất muôn vật và con người từ tổ tiên cho đến chúng ta ngày nay, Ngài cho mưa cho nắng để có môi trường sinh thái mà sinh sống, vì thế chúng ta mới có điều kiện sống và sinh hoạt làm người ở giữa cái vũ trụ này, vì thế cộng đoàn chúng ta qui tụ về đây cùng hợp ý với hơn hai ngàn triệu người Kitô giáo trên toàn thế giới thay cho toàn nhân loại dâng lễ Chủ Nhật còn gọi là lễ tế trời để báo hiếu cho Trời về những ơn lành Trời đã ban cho chúng ta, thánh lễ tế trời của người Công giáo có hai phần là Lời Chúa còn gọi là “Sấm Truyền” tức Lời của Trời chứa đựng trong hai pho Kinh Thánh Tân Ước và Cựu Ước, và phần tế lễ đem những lao công phẩm vật dâng lên Chúa làm của lễ tạ ơn, và nơi đâu có thánh lễ nơi đó có ơn trời đổ xuống.
Đồng thời Ngài giải thích nguồn gốc niên lịch mà thế giới dùng hiện nay đều xuất phát từ Kitô giáo, cụ thể lấy mốc lịch sử là năm Một Chúa Giêsu sinh ra được mọi người chấp nhận, để từ đó tính tuổi và nhiều thứ khác mà con người căn cứ vào đó mà tính, tất cả các nước trên toàn thế giới theo hay không theo đạo Công giáo đều chấp nhận một tuần bảy ngày, trong đó 6 ngày làm việc và ngày Chủ nhật nghỉ ngơi để báo hiếu trời đất và thăm viếng cha mẹ người thân, chia sẻ tình nghĩa anh em và trao dồi kiến thức văn hóa xã hội.
Phát biểu cuối thánh lễ, Đức Cha Phụ tá có lời chào chúc cộng đoàn và đại diện chính quyền tham dự, Ngài nói : “Tôi đại diện cho Đức Cha chính tòa Antôn Vũ Huy Chương lên đây với hai mục đích là thăm mục vụ cộng đoàn dân Chúa Lai Châu và ban bí tích thêm sức cho các em đến tuổi, và chào thăm chính quyền địa phương.”
Ngài vui mừng nói trước cộng đoàn và có mặt đại diện chính quyền tham dự: “sự có mặt của các vị đại diện chính quyền và chúng tôi là Giáo quyền hiện diện nơi thánh lễ là một sự hết sức vui mừng bảo đảm cho anh chị em về những nguyện vọng về sinh hoạt tôn giáo sẽ dần dần từng bước được bảo đảm, lần này bà con chưa được thỏa mãn nguyện vọng là được làm phép thêm sức cho các em, bà con cũng nên thông cảm với chính quyền vì việc này đối với chính quyền ở đây còn mới mẻ và chưa biết cụ thể thế nào nên chưa có thông suốt hài hòa nhất định, còn đối với Công giáo trong 7 bí tích thì hai bí tích Thêm Sức và Truyền chức Linh mục chỉ dành riêng cho chức sắc Giám mục, còn các linh mục không làm được.”
Đức Cha cũng nói lên phương châm làm việc và động viên bà con: “Tôi theo chủ trương của Đức Cha Chính tòa giáo phận là luôn luôn tìm sự hài hòa giữa đạo và đời, không nên làm chuyện gì tạo nên tình hình thêm phức tạp gay cấn, việc tôi năm nay trực tiếp tới đây viếng thăm mục vụ là một bước tiến đến việc bà con Công giáo ở đây được thực thi quyền tự do tôn giáo trọn vẹn như các tỉnh khác, khó khăn của bà con ở đây cũng giống như ở Lào Cai cách đây 10 năm về trước…, nên bà con cứ an tâm sống đạo hài hòa giữa lương và giáo, càng có các linh mục tới phục vụ chúng ta càng sống tốt hơn, càng an tâm xây dựng quê hương mới Lai Châu của chúng ta, chứ không chỉ kiếm tiền đem về quê dưới xuôi hóa ra ăn một nơi ấp một nơi không ra sao cả, vì điều đó chúng tôi phía Giáo quyền rất muốn tới phục vụ bà con về phương diện tôn giáo tâm linh để bà con an tâm sống đúng giáo lý của Chúa, từ đó chính quyền sẽ thấy được sự ưu việt của đạo chúng ta sẽ chấp thuận cho chúng ta tự do sinh hoạt tôn giáo bình thường như mọi nơi khác.”
Ông Thuế, đại diện cho cộng đoàn Lai Châu cảm ơn Đức Cha Phụ tá tới dâng thánh lễ đầu tiên và chính quyền địa phương tham dự, ông nói: “đây là một ân huệ đặc biệt mà Thiên Chúa đã ban cho cộng đoàn Lai Châu.”
Ông cũng đã sơ qua lịch sử hình thành và phát triển của cộng đoàn đã trải qua biết bao khó khăn hơn 40 năm qua, ông nói: “Người Công giáo nơi đây hầu hết có nguồn gốc thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, được Nhà nước vận động đi xây dựng quê hương mới vào ngày 25 tháng 12 năm 1966 đến ở tại xã Tam Đường huyện Phong Thổ, nay là xã San Thàng, thị xã Lai Châu, tỉnh Lai Châu, đến nay chúng tôi đã sinh sống ở vùng đất này trên 40 năm với biết bao khó khăn gian khổ quá sức tưởng tượng, trong vài năm đầu định cư bà con đã phải di chuyển tới hai địa bàn sinh sống không có đường giao thông và phương tiện trợ giúp, chúng tôi chỉ có hai bàn tay, đôi vai và cái cuốc là phương tiện để kiếm sống qua ngày, mặc dù khó khăn vậy bà con vẫn bám trụ để xây dựng quê hương mới, đi đầu trong các phong trào sản xuất, văn hóa xã hội và chấp hành tốt chính sách của Nhà nước.”
Ông nói kể về đời sống đạo khó khăn: “chúng tôi lên đây mang theo hạt giống Tin Mừng tới vùng đất chưa được gieo vãi, nên đời sống đức tin gặp muôn vàn khó khăn thử thách không có nơi thờ phượng, mấy chục năm không có thánh lễ, giữ và sống đạo chỉ còn tại tâm, nhà ai nấy giữ tự lần mò trong đêm tối, tâm thức và nguyện vọng của chúng tôi ngay từ ngày rời quê hương tới vùng đất mới này đó là xin Nhà nước quan tâm và tạo điều kiện cho chúng tôi có nhà thờ để thờ phượng Chúa và duy trì truyền thống của cha ông, vậy nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn sống trong sự chờ đợi và khát khao không biết khi nào mới được.”
Ông nói trong sự vui mừng và hy vọng: “Kể từ khi Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương tìm đến viếng thăm chớp nhoáng chúng con như chủ chăn tìm đoàn chiên lạc vào ngày 23 tháng 12 năm 2005 chỉ trong vòng nửa tiếng, không kịp nói với nhau điều gì, cha con chỉ nhìn nhau rưng rưng nước mắt, lúc đó Ngài nói trước giờ chia tay rằng Cha luôn cầu nguyện và kêu gọi toàn thể giáo phận cầu nguyện cho bà con Lai Châu, sau đó Ngài quan tâm cụ thể gửi đơn tới chính quyền tỉnh đề nghị công nhận cộng đoàn và đăng ký tổ chức sinh hoạt tôn giáo, đồng thời bổ nhiệm Cha Phêrô Phạm Thanh Bình đến chăm lo mục vụ cho cộng đoàn, về phía cộng đoàn cũng đã nhiều lần làm văn bản đề nghị với chính quyền cho thành lập cộng đoàn và có nơi sinh hoạt chung, nhưng các cấp chính quyền vẫn chưa chấp thuận với nhiều lý do, ngày 25 tháng 12 năm 2007 là ngày kỷ niệm đặc biệt với cộng đoàn vì có thánh lễ đầu tiên trên mảnh đất Lai Châu, kể từ đó cộng đoàn thường xuyên qui tụ nhau cầu nguyện đặc biệt vào ngày Chủ Nhật, chính quyền cũng chấp thuận cho các cha tới dâng lễ cho bà con vài lần trong năm.”
Cộng đoàn Công giáo Lai Châu cũng như các cộng đoàn khác trong các tỉnh Điện Biên và Sơn La thuộc miền tây bắc giáo phận Hưng Hóa hiện nay từ những nhóm nhỏ sau 5 năm đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và trưởng thành trong đời sống đức tin.
Sau gần 5 năm kể từ bước chân đầu tiên của vị chủ chăn giáo phận viếng thăm người Công giáo ở ba tỉnh cực tây bắc xa xôi đến nay đời sống Đức tin của họ ngày càng trưởng thành gia tăng về số lượng và chất lượng, dần đi vào ổn định mặc dù phải trải qua nhiều khó khăn gian khổ, hạn chế.
Trong chuyến viếng thăm mục vụ đầu tiên của mình, Đức Cha đã đi vòng qua các cộng đoàn Công giáo tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Sơn La, những nơi chưa có một ngôi nhà thờ nào và chưa có linh mục ở tại chỗ.
Khi ghé thăm một gia đình Công giáo ở thị trấn Bình Lư, huyện Tam Đường, một giáo điểm mới hình thành, Đức Cha đã nói: “Gia đình nơi đây chính là nơi qui tụ bà con giáo dân tới đọc kinh cầu nguyện, đề nghị gia đình sửa sang cho khang trang xứng đáng, bước đầu tiên là đăng ký với chính quyền địa phương cho thành lập giáo điểm, còn thành lập giáo họ tính sau, để có cơ sở sinh hoạt tôn giáo chính thức theo Pháp lệnh tôn giáo nói là những nơi không có cơ sở thờ tự thì phải đăng ký sinh hoạt ngoài nơi thờ tự tại một nhà giáo dân nào đó, đó là tinh thần làm việc của Giám mục giáo phận.”
Ngài động viên bà con cứ an tâm và tiến hành dần dần, đối với những địa phương xa lạ như thế này chúng ta không thể chạy trước thời gian mà cứ phải từ từ từng bước vì “giục tốc bất đạt”, đến khi được công nhận là giáo họ rồi chúng ta mới kiếm đất để xây dựng cơ sở thờ tự, phải có tiến trình thời gian không được nóng vội.
Ngài khuyên nhủ trước tiên, mọi người cứ tập trung thường ngày đọc kinh cầu nguyện, đặc biệt là ngày chủ nhật, bà con giáo dân qui tụ nhau lại đọc và suy tôn Lời Chúa, rồi Cha Bình thỉnh thoảng tới dâng lễ vào ngày Chủ nhật, cộng đoàn cứ sinh hoạt như thế tạo nên một hình ảnh thu hút những người xung quanh, lưu tâm mời gọi những người Công giáo nhiều năm chưa được công khai sống đạo gia nhập sinh hoạt với mình, dần dần đời sống sinh hoạt tôn giáo cũng trở nên bình thường hóa như các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Lao Cai, trước đây cũng có những khó khăn như chúng ta bây giờ, rồi cuối cùng tiến tới thành lập họ đạo, giáo xứ, có nhà thờ và có linh mục ở tại chỗ nữa.
Đức Cha cho biết, ở Sơn La cách đây 5 năm trong mỗi cộng đoàn nhỏ cũng chỉ có 50 đến 70 người qui tụ tại nhà tư sinh hoạt tôn giáo với nhau, nhưng nay sau 5 năm con số gia tăng nhanh chóng ở các cộng đoàn như Mai Sơn 800 giáo dân, Mộc Châu gần 1000, toàn tỉnh Sơn la tổng cộng có hơn 4000 giáo dân đã đăng ký chính thức, một nửa trong đó là dân tộc H’mông.
Ngài cho biết thêm, như trước đây (giai đoạn 1998-2003) giáo xứ Sapa cũng khó khăn không có linh mục, tôi một năm chỉ được phép lên làm mục vụ 5 đến 6 lần, nhưng nay thì có linh mục ở thường xuyên, tất cả những điều đó là “một tiến trình không thể đảo ngược”, hiện nay ở nhiều nơi chính quyền địa phương còn cấp đất cho các giáo họ giáo xứ làm nhà thờ, như giáo xứ Hòa Bình thuộc thành phố Hòa Bình được cấp 10000 m2 đất, hay như giáo họ Cam Đường thuộc thành phố Lào Cai, sau khi được công nhận là họ đạo, chính quyền địa phương đã cấp cho 4000 m2 đất để làm nhà thờ.
Một giáo dân chủ nhà ở thị trấn Bình Lư nói với Đức Cha rằng, chúng con ở trên này “tha phương cầu thực”, mới hình thành chúng con chỉ mong muốn sao có thánh lễ và những ngày bà con qui tụ nhau lại cầu nguyện thờ Chúa và kính Đức Mẹ, anh cho biết trong thị trấn này có khoảng 100 giáo dân.
Đức Cha cũng mời gọi và khuyến khích mỗi giáo điểm nên cử đi ít nhất một người về tham dự khóa học “thừa tác viên ngoại thường” do giáo phận tổ chức vào đầu tháng 10, để người đó về cử hành phụng vụ Lời Chúa ngày Chủ nhật cho cộng đoàn, chúng ta làm theo đúng nghi thức của Hội Thánh, khi đó “Chính Lời Chúa chứ không phải ai khác có sức mạnh qui tụ giáo dân lại”, vì thế cứ cử hành phụng vụ cho tốt thì tự nhiên giáo dân ở đâu cứ dần dần chui ra thôi.
Cha Bình vui mừng nói với cộng đoàn Lai Châu: Lần đầu tiên cộng đoàn thị xã Lai Châu chúng ta được đón Đức Giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hóa, Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất, từ cuối thập niên 1990 đến năm 2003, Ngài được giáo phận trao trọng trách chăm lo mục vụ cho người Công giáo các tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên, nhưng hoàn cảnh khi đó khó khăn chúng ta chỉ có thể đi tới Lào Cai hay Sapa tham dự thánh lễ mà thôi, trước đó Ngài có đi qua đây thăm bà con một hai lần nhưng chỉ thăm hỏi với tư cách cá nhân mà thôi, đây mới là lần đầu tiên Ngài với tư cách mục tử để thăm và làm mục vụ cho cộng đoàn, cũng như chào thăm chính quyền địa phương.
Còn về sinh hoạt tôn giáo thì lẽ ra hôm nay theo đăng ký là Đức Cha tới đây với vai trò Giám mục cử hành lễ ban bí tích Thêm Sức cho bà con giáo dân nơi đây vì hoàn cảnh xa quê hương có người đã 50-60 tuổi rồi mà chưa được lãnh bí tích thêm sức, tuy nhiên do có một số lý do ngoại tại nên hôm nay sau khi đã thảo luận thống nhất với chính quyền địa phương, lễ ban bí tích thêm sức tạm thời được hoãn lại, Đức Cha chỉ dâng lễ Chủ Nhật thường niên để cầu nguyện cho cộng đoàn Công giáo Lai Châu biết sống yêu thương nhau và sống đúng với sứ vụ của người Công giáo ở vùng xa xôi này, tại nơi mà đạo Công giáo còn được coi là một thứ đạo lạ lẫm đối với nhiều người, nên người ta còn phải trông xem đời sống của những người Công giáo như thế nào có đoàng hoàng hay không? Vì vậy trọng trách của quí ông bà anh chị em nơi đây rất là lớn, hãy sống chu toàn bổn phận là người Công giáo hiệp thông cầu nguyện và làm chứng cho Chúa nơi vùng đất xa xôi này, nơi mà anh chị em đã chọn làm nơi quê hương thứ hai của mình.
Cha phụ trách cũng thông báo cho cộng đoàn biết, việc ban bí tích Thêm Sức của Đức Giám mục cho bà con nơi đây sẽ diễn ra vào một trong hai dịp lễ lớn còn lại trong năm nay là lễ Các Thánh hoặc Giáng Sinh, Cha cũng cho biết theo chủ trương của tỉnh Lai Châu những năm qua chính quyền mới chỉ chấp nhận cho tổ chức các dịp lễ trọng đặc biệt trong năm, ngài cũng mời gọi mọi người cùng cầu nguyện để thánh lễ ban bí tích Thêm sức sắp tới diễn ra tốt đẹp.
Một số hình ảnh về Lai Châu ngày 22-8-2010:
Phút gặp gỡ đầu tiên của Đức Cha phụ tá Gioan với cộng đoàn Lai Châu:
Thánh lễ cầu bình an cho cộng đoàn
Ban Đại diện và Ca Đoàn Lai Châu chụp hình với Đức Cha
Bữa tiệc vui của cộng đoàn
Đức Cha ghé thăm ông Phi-líp-phê Nguyễn Văn Tuyết trên giường bệnh