Lm. Gioan B. Phan Kế Sự
Lời Chúa : “Sao không bán dầu thơm đó lấy 300 đồng mà cho người nghèo khó” (Ga 12, 1-11)
Suy niệm :
Khi người ta chỉ nghĩ đến mình và khép kín trong vỏ ốc ích kỷ, họ dễ trở nên mù quáng ngay trong chính suy tưởng và hành động của mình.
Giuđa đã trở nên mù quáng vì tính tham lam tiền bạc. Ông tỏ ra thương người nghèo nhưng bên trong đầy tính toán vụ lợi ích kỷ. Ông không cưỡng lại được sức quyến rũ của tiền bạc nên đã trở thành kẻ biển lận, bần tiện và tiểu nhân. Bên ngoài ông tỏ ra thương người với một khuôn mặt nhân ái, nhưng bên trong lại che giấu cả một tấm lòng ghen ghét đố kỵ. Ông chỉ biết phục vụ chính mình thay vì phục vụ Chúa và tha nhân để rồi ông đã trở thành kẻ mù quáng, phản bội ngay cả chính Thầy mình.
Bước vào tuần thánh, mỗi người chúng ta được mời gọi đi vào con đường thập gía của Chúa Giêsu.
• Đi lại con đường thập gía của Chúa để mỗi người biết cố gắng thoát ra khỏi vỏ ốc ích kỷ của chính mình để sẵn sàng quảng đại quên mình phục vụ tha nhân.
• Đi lại con đường thập gía của Chúa để giúp mỗi người trong chúng ta đoạn tuyệt những đam mê tội lỗi, những ham muốn thế trần, để biết chọn Chúa làm gia nghiệp vĩnh hằng cho đời mình.
• Đi lại con đường thập gía của Chúa mỗi ngày là cố gắng từ bỏ chính mình để vươn lên và tiến tới đỉnh cao của sự tận hiến trọn vẹn cho tình yêu Đức Kitô.
• Và trong ánh sáng phục sinh, chúng ta sẽ thoát ra khỏi sự mù quáng tăm tối của sự chết, để đón nhận đời sống mới trong Đấng Phục Sinh.
Lời cầu nguyện:
Lạy Chúa, lòng tham của con người vẫn được ví như “chiếc thùng rỗng đáy”. Người ta sẵn sàng lạm dụng và nhân danh tất cả, kể cả lòng nhân ái và ngay cả vinh danh Chúa để thu lợi, củng cố địa vị cho mình. Còn việc lo cho anh em, phải chia sẻ với anh em, thì con người lại thích “phân tích, mổ xẻ, bới móc” hầu “chí công vô tư”,nhằm thu nhập thêm lợi nhuận cho mình . Thật bỉ ổi và trơ trẽn cho lòng tốt của con người khi đối xử với nhau! . Xin hãy đóng đanh tính ích kỷ, vụ lợi của chúng con vào thập gía của Chúa, để chúng con biết sống quảng đại chia sẻ với anh em mình. Amen.
Lời Chúa: “Một người trong các con sẽ nộp Thầy…Thưa Thầy, ai vậy?” (Ga 13, 21-33. 36-38)
Suy niệm:
“Không phải tôi!Ai vậy ?” Đó là điệp khúc, “bài ca muôn thuở không bao giờ quên” mà con người thường đưa ra để chống chế cho mình hoặc để tránh né trách nhiệm.
Trước câu tuyên bố của Chúa Giêsu về việc một người trong nhóm sẽ nộp Ngài, các môn đệ đã vội tìm xem ai là kẻ phản bội đáng lên án đó. Những kẻ nghĩ mình vô tội đang cố tìm ra kẻcó tội. Chính Phêrô đã nhanh nhẩu tìm cho ra kẻ tán tận lương tâm đó và khẳng khái xác quyết với Chúa về lòng trung thành sẵn sàng sống chết với Thầy của mình. Nhưng rồi sau đó ai cũng biết sự việc Phêrô chối Thầy, đúng như lời Chúa đã cảnh báo. Còn về phần Giuđa, đáng lẽ những lời đánh động của Chúa Giêsu phải là cơ hội cuối cùng để ông biết dừng lại thái độ phản bội, nhưng ông vẫn dửng dưng như nói đến ai chứ không phải là mình. Bề ngoài ông phớt tỉnh như không biết, khiến cho anh em không chút nghi ngờ , tưởng ông đi làm nhiệm vụ gì đó do Chúa dặn dò,nhưng không ngờ rằng ông ra đi thực hiện toan tính bán nộp Thầy mình.
Từ một em thiếu nhi phạm một lỗi nhỏ ,cho đến một người lớn trưởng thành, tất cả đều đưa ra câu trả lời : “ Không phải tôi! Ai vậy ?”. Có rất ít người biết thành tâm nhận lỗi. Việc từ chối không nhận lỗi đã trở thành quá quen thuộc, “không có gì là ồn ào,chuyện nhỏ”, nhất là “không chết chóc cho ai cả”, ngoại trừ chính mình.
• “Không phải tôi” điệp khúc được lặp lại mỗi lần chúng con phủi tay, đổ vấy trách nhiệm cho anh em của mình, và không hề mảy may áy náy hay cảm thấy xấu hổ vì những việc làm tắc trách, gây thiệt hại cho xã hội hay anh em mình.
• “Không phải tôi” là hành động đưa tay đấm ngực người khi miệng chúng con hằng ngày không ngớt đọc kinh cáo mình “lỗi tại tôi mọi đàng”. Thật xấu hổ và trơ trẽn cho những con người “tán tận lương tâm” lợi dụng “cái ghế” của mình để kết án, lọc lừa, bóp cổ anh em, mà cứ “gỉa điếc làm ngơ” như mình là người trong sạch và vô tội.
• “Không phải tôi” là chuyện hằng ngày xảy ra trong mọi cảnh vực xã hội, gia đình khi mà đạo đức con người ngày càng xuống cấp, khi cái ác đang thắng thế, và người lương thiện chịu thiệt thòi.
Đối diện với Lời Chúa, mỗi người phải khiêm nhường xét lại mình. Trước những sai phạm của người khác, thái độ khôn ngoan cũng là nhìn lại mình trước hết để cảnh giác kẻo lại rơi vào hố sâu tội lỗi .Cần đấm ngực mình trước khi đấm ngực người khác, đó là lời mời gọi củaMùa Chay Thánh.
Lời cầu nguyện:
Lạy Chúa, thật khó mà giơ tay lên để đấm ngực mình khi chúng con mắc lầm lỗi. Thường chúng con sẽ tìm mọi cách, tìm đủ lí do để “chạy tội”, bào chữa cho mình, thậm chí tìm cách đổ vấy cho người khác. Và đó chính là môi trường thuận tiện cho mọi hành vi gian ác, tham nhũng, làm đảo lộn đạo đức ở đời. Xin giúp chúng con biết khiêm tốn và thẳng thắn nhận ra lầm lỗi của mình, để sám hối ăn năn, đổi mới cuộc sống, để đáng được ơn tha thứ và có cơ hội đón nhận ơn cứu độ của Chúa. Amen.
Lời Chúa: “Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy” (Mt 26, 14-25)
Suy niệm:
Giuđa Iscariôt thường được coi là biểu tượng cho sự phản bội.
Trên đời có lắm dạng phản bội: vợ chồng phản bội nhau, cha mẹ đánh lừa con cái, con cái dối gạt cha mẹ, bạn bè sống không thật lòng, bạn hàng lừa đảo, xù nợ.Giuđa Iscariôt đã dùng chính ân huệ Thầy ban cho để làm hại Thầy. Giuđa đã lợi dụng sự thân quen với Chúa để làm hại Chúa. Giuđa đã bán sự hiểu biết, bán sự thân nghĩa với Chúa Giêsu để lấy 30 đồng bạc. Tiền bạc đã làm mờ tâm trí khiến Giuđa không còn nhận ra sự đáng quí, đáng yêu nơi thầy Giêsu. Ông đánh giá Chúa bằng giá mua một người nô lệ! Người đời có thật nhiều danh ngôn tục ngữ nói về tiền bạc
• “Đồng tiền đâm toạc tờ giấy! ”Tráo trở, lật lọng, gian lận.“Tất tận cả” đều đến từ những đồng tiền bẩn thỉu và gian ác.Chân lí bao giờ cũng đứng về phía người có tiền có bạc “Miệng người giầu có gang có thép” hoặc “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” là thế. Mặt trái của đống tiền là “bạc!”
• “Tiền bạc là tiên là phật! ”. Hơn bao giờ hết, với nền kinh tế thị trường hiện tại, đồng tiền thống lãnh mọi lãnh vực , từ nhân đạo cho đến kinh tế, từ chính trị cho đến mọi hình thức ngoại giao. Đồng tiền trở thành “kẻ thống soái”, “kẻ mạnh”để có thể biến “lũng nên đồi”, từ “con vịt xấu xí nên con thiên nga tuyệt mỹ”. Đồng tiền đã trở “thành tiên thành phật”, như một thứ thần mà từ già đến trẻ ai cũng muốn sở hữu . “Tiền bạc là sức khoẻ của tuổi già, sức bật của tuổi trẻ, nấc thang của danh vọng”. Có được đồng tiền trong tay, ai thấy cũng đều ham. Và chắc chắn Chúa sẽ không còn chỗ đứng để chen chân trong tâm hồn những con người tham lam, chất đầy tiền của. “Không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”là thế !
• “Thấy tiền tối mắt lại! ”. Đồng tiền có một sức mạnh vượt bậc. Một khi nó là “ông chủ”, nó sẽ khiến cho con mắt chúng ta tối sầm lại và biến chúng ta trở thành “kẻ nô lệ”. Với sức mạnh của nó, đồng tiền sẽ “đốt cháy” lương tri, khiến người ta có thể trở thành kẻ liều lĩnh để bán rẻ lương tâm, lòng đạo đức để trở thành kẻ bỉ ổi nhất. Sức mạnh của nó còn làm mờ, nếu không muốn nói, làm thui chột sự nhạy cảm của con tim, biến con người trở thành gỗ đá, kẻ xa lạ với chính anh em ruột thịt mình.
Chuyện Giuđa nhắc nhở ta đừng biến mình thành kẻ phản bội. Danh lợi thú đời này luôn là những cám dỗ thật ngọt ngào khiến con người phản bội nhau và phản bội Chúa. Danh dự, lợi lộc, niềm vui trần gian, trong mức độ nào đó, là động lực giúp con người thăng tiến. Nó chỉ trở thành nguy hiểm khi chúng ta coi chúng là mục đích cuộc đời. Chỉ có vinh danh Chúa, lợi lộc thiêng liêng và niềm vui trong Chúa mới là mục tiêu đích thực cho cuộc sống chúng ta. Đừng lạm dụng những ân huệ Chúa ban cho chúng ta như sức khỏe, sắc đẹp, tuổi đời, tài trí… mà làm những điều phiền lòng Chúa. Đừng bỉ ổi như Giuđa: phản thầy, phản bạn, phản cả Chúa là đại ân nhân đời mình.
Lời cầu nguyện:
Lạy Chúa, sống trên đời “không tiền không bạc” thật khó sống. Tiền bạc trong lịch sử con người, chỉ là một thứ phương tiện để trao đổi, buôn bán; nhưng với thế hệ con người chúng con hôm nay, đã trở thành một thứ thần tượng, là một thứ “cân đo đong đếm” cho mọi gía trị ở đời, cho cả chỗ đứng trong xã hội . Con người chúng con đã “quỳ xuống để bái lạy ma quỷ” hầu mong có tất cả. Chúng con đã đánh mất chính mình để tình nguyện làm kẻ nô lệ cho tiền bạc. Xin giúp chúng con tỉnh thức và biết dùng tiền của như là phương tiện giúp mình đạt được những gía trị thiêng liêng cao quí hơn. . Amen.
Lời Chúa: “Ngài yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1-15)
Suy niệm:
“Yêu đến cùng” theo cách của Chúa Giêsu là trao ban tất cả, tận hiến tất cả,đến cả mạng sống mình.
Đó là một tình yêu vô vị lợi, không chút tính toán , không mảy may vụ lợi, không ngần ngại quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ . Chúa Giêsu đã yêu thương con người đến cùng, nên đã cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ : “Này là Mình Thầy” : Đó là tình yêu tự hiến, hy sinh chính mình để cho nhân loại được sống. Chúa Giêsu yêu thương đến cùng nên đã chấp nhận chịu chết đau thương trên thập giá : Đó là tình yêu cao cả, từ bỏ ý riêng hoàn toàn để thực hiện ý Chúa Cha. “Xin cất chén này xa Con, nhưng đừng vì ý Con, mà hoàn toàn tuân theo thánh ý Cha”. Như thế, yêu đến cùng là một tình yêu đích thựcvà đã làm nên những điều kỳ diệu.
• “Yêu đến cùng” là sống trọn vẹn, là “chơi xả láng”. Đó chính là từ ngữ mà Thánh Gioan Tông Đồ diễn tả về cách sống của Chúa Giêsu đối với các Môn Đệ của Mình và cho cả chúng ta. Tình yêu ấy muốn trao ban tất cả những gì là tốt đẹp, là thiện hảo nhất cho người mình yêu mến. Ngài đã không giữ lại cho mình cái gì, dù là cả sinh mạng. Ngài hiến thân để trở thành của lễ toàn hảo dâng lên Chúa Cha hầu mong cứu chuộc con người khỏi thần chết và sự dữ. Tình yêu ấy kêu mời chúng ta hãy biết thể hiện tình yêu cách trọn vẹn, không tính toán đối với anh em mình.
• “Yêu đến cùng” là quỳ gối xuống, trở thành kẻ tôi đòi, chấp nhận thân phận của một người phục vụ để cho mong cho anh em được lớn lên. “Không còn vẻ hình hài, dáng dấp oai phong” nhưng trở nên “Con chiên gánh tội trần gian”. Học chữ “yêu” của Chúa đòi hỏi mỗi người chúng ta sống quảng đại, sẵn sàng chia sẻ, chịu thua lỗ, để anh em mình “được lời”. Sống chữ “yêu” của Chúa, chúng ta hãy tập cho mình thái độ “cúi mình, uốn cong lưng xuống” để phục vụ và sống vì, sống cho anh em.
• “Yêu đến cùng” là chết để cho anh em mình sống. Chúa đã từng dạy và nêu gương cho tất cả chúng ta về một tình yêu tận hiến hoàn toàn. Ngài đã trở nên chiếc bánh cho mọi người ăn, trở nên máu cho mọi người uống. “Ngài hiến thân vì và cho tất cả chúng ta” bằng chính cái chết của mình. Và “Không có tình yêu nào cao quí cho bằng người dám hiến thân vì người mình yêu”. Tình yêu của Chúa đã đi đến tuyệt đỉnh, để như hạt lúa bị chôn vùi, thối đi, để con người chúng ta có được mùa gặt bội thu.
Hôm nay, bắt chước thái độ “Yêu đến cùng” của Chúa, là chúng ta biết khiêm tốn phục vụ trong những điều nhỏ bé nhất một cách vô vị lợi. Yêu đến cùng là quảng đại dấn thân vì Tin Mừng, chấp nhận sống cảnh âm thầm, vô danh. Yêu đến cùng là sẵn sàng chấp nhận phần thiệt thòi để người khác được nhiều phần lợi hơn. Yêu đến cùng đòi hỏi quảng đại hy sinh theo gương Chúa Giêsu : chủ nhân trở thành tôi tớ bằng cách tự nguyện phục vụ, Thiên Chúa trở thành “kẻ tội đồ” để mang lại sự sống cho kẻ tin. Yêu đến cùng không chỉ có tấm lòng nhưng là thể hiện tấm lòng bằng hành động cụ thể, nghĩa là không chỉ làm những việc từ thiện, mà làm việc bác ái với tấm lòng yêu thương chân thành và quảng đại.
Lời cầu nguyện:
Lạy Chúa “yêu đến cùng” của Chúa là giáo lý, là giới răn yêu thương mà Chúa đã rao giảng và đã sống. Cuộc sống và cả cuộc đời của Chúa là một hành trình của yêu thương, của cho đi: sống vì, sống cho tha nhân, mà chẳng nghĩ đến mình, ngay cả sinh mạng. Như hạt lúa được gieo vào lòng đất, Chúa hoàn toàn tự huỷ để cho con người chúng con được sống. Xin giúp chúng con biết sống cho nhau, vi lợi ích của nhau, để chúng con tiếp nối sứ mạng “yêu đến cùng” của Chúa. Amen.
Lời Chúa: “Mọi sự đã hoàn tất. ” (Ga 18, 1-19. 42)
Suy niệm:
Thập gía là con đường duy nhất mà Chúa chọn để cứu chuộc con người.
Thập gía là con đường hẹp của Tin Mừng mà Chúa đã đi qua, để những ai muốn đến với Ngài, cũng phải vác thập gía mình hằng ngày mà theo Ngài.
• Lối mòn của thập gía : là đau khổ, là nước mắt, là máu… vẫn và đang là mời gọi tất cả chúng ta hằng ngày, hãy đóng đinh chính thân xác mình, đóng đinh những đam mê, tội lỗi của mình vào thập gía của Chúa, để chúng ta biết chết đi cho chính mình mà sống cho Thiên Chúa. Thập giá vẫn mãi là tình yêu Thiên Chúa . Nhìn thấy Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào Thập giá, những người chống đối vỗ tay vui mừng. Họ tưởng rằng như thế là kết án và loại trừ được Chúa cùng với những lời rao giảng yêu thương. Họ đâu biết rằng, chính họ đã tự kết án mình. Cái chết của Chúa Giêsu làm rõ tội ác của con người, và Thập giá là nơi bày tỏ những gì Thiên Chúa muốn nói với con người, nơi thể hiện một tình yêu cao vời vĩ đại và vô bờ bến. Chúa Giêsu hoàn tất sứ mạng Chúa Cha giao phó trên thập gía “Ngày nào treo Ta lên, Ta kéo mọi sự lên với Ta”
• Thập giá Đức Kitô là Thập giá cứu độ. Với dân ngoại, thập gía là sự điên rồ. Với người Do Thái, thập gía là tội đồ. Còn với tất cả chúng ta, thập gía chính là ơn cứu rỗi.Mỗi lần chúng ta nhìn lên Thập giá, đối diện với Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta có dịp để nhận ra con người thật của mình, con người tội lỗi . Và cũng chẳng hơn gì, không chỉ có dân Do Thái, mà cả chúng ta nữa, đã góp phần gây nên cái chết của Chúa Giêsu.Cây Thập giá cũng không chỉ có một lần trong lịch sử, mà ngày nay có rất nhiều cây Thập giá được dựng lên, khi người ta tiếp tục đóng đinh nhau bằng những mũi đinh chống đối, thù hận, chia rẽ và khủng bố lẫn nhau. Nhận ra mình tội lỗi, là nhận ra tình thương tha thứ của Chúa, để chúng ta đừng làm khổ nhau nữa, hãy tha thứ cho nhau trong sự cảm thông, nâng đỡ và chia sẻ. Từ đó ta sẽ nhận được ơn cứu độ từ Thập giá.
Trên thập gía, Chúa đã hoàn tất cuộc đời và sứ mạng cứu thế của Mình. Của lễ hiến tế là chính thân thể và sinh mạng của Chúa đã trở nên một của lễ vẹn toàn làm đẹp lòng Chúa Cha. Thập gía đã trở thành phương dược đem lại sự sống cho con người tội lỗi. Đau khổ của con người đã trở thành gía trị mang lại ơn cứu độ, khi nó biết kết hợp và tháp nhập vào với gía máu của Chúa trên thập gía.
Lời cầu nguyện:
Lạy Chúa, khi chiêm ngắm thân mình Chúa chịu treo trên Thập giá, chúng con hiểu rằng Chúa muốn trao ban cho chúng con trọn vẹn tình yêu của Chúa. Chúa đã không giữ lại cho Mình, dù là một chút nước và máu trong con tim và ngay cả tấm thân lành lặn. Xin cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu của Chúa mỗi lần ngắm nhìn lên thập gía. Xin đừng để chúng con trở thành kẻ vô ơn, khi không biết sống xứng đáng với những ân huệ thiêng liêng mà Chúa đã trao ban qua mầu nhiệm thập gía của Chúa. Amen.
Lời Chúa “Các ông lãnh thi hài Đức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn,
theo tục lệ của người Do Thái. (Gioan 19, 40)
Suy Niệm:
“Mọi sự đã hoàn tất” Lời nói cuối cùng của một con người với tên gọi là Giêsu Nagiareth. Con Thiên Chúa đã ra khỏi kiếp người “đầy mâu thuẫn và cạm bẫy”. Ngài không còn hiện diện thể lý để chúng ta có thể chiêm ngưỡng và gặp gỡ Ngài bằng xương bằng thịt nữa. Các Tông Đồ và mọi người thân của Ngài phải đối diện với một sự mất mát, một lỗ hổng của tình cảm không thể bù đắp được. Người đau khổ và mất mát nhiều nhất chính là Mẹ Maria. Người Con mà Mẹ đã cưu mang trong thân xác Mình, Người Con mà Mẹ đã dưỡng nuôi, yêu thương nay không còn hiện diện, đã để lại trong tâm hồn Mẹ một vực thẳm của thương tiếc, của xót xa. Người Con của Mẹ suốt một đời chỉ biết đem tình thương trao ban cho mọi người,không phân biệt sang hèn, yếu đau hay tật bệnh, nay đã được đáp đền bằng sự vô ơn, bạc nghĩa.Thật quá đau xót và buồn tủi dâng tràn trong tâm hồn Mẹ.
• “Còn chính Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà” (Lc. 2, 35). Lời tiên tri ngày xưa của cụ gìa Simêon đã được ứng nghiệm một cách thật xót xa cho tâm hồn Mẹ. Sự hiện diện thật ngắn ngủi của Chúa ở trần gian, những việc làm và giáo lí yêu thương của Ngài thực sự đã trở thành “cái gai” là chướng ngại cho những tâm hồn ích kỷ và tội lỗi. Thập gía, những nắm đấm giơ lên và hô to : đóng đanh nó vào thập gía, những đòn roi, mũi đinh đóng vào xác thịt Chúa, thực sự đã là những mũi đòng làm tan nát trái tim Mẹ Maria. Thập gía đó, những nắm đấm giơ cao ngày nào. . ngày nay vẫn còn đó, cho mỗi lần con người chúng con phản bội và muốn loại trừ Chúa ra khỏi thế giới tục hoá hôm nay. Những lưỡi gươm vẫn tiếp tục đâm thấu trái tim Mẹ hằng ngày.
• “Này Mẹ, đây là con Mẹ”(Gioan 19, 26-27). Lời trăn trối cho con người chúng con trước giờ ra đi vào vĩnh cửu, thật cảm động và đầy y nghĩa. Chúa đã trao ban người Mẹ yêu dấu nhất cho con người, bởi Ngài hiểu rằng “ mồ cồi thật tội lắm ai ơi! ”. Lịch sử Giáo Hội cho đến hôm nay, luôn được sự chăm sóc, gìn giữ và bảo vệ một cách tốt nhất với tình mẫu tử của một người mẹ . Mẹ luôn cảnh báo, thức tỉnh con người biết sống trong tình thân ái với Thiên Chúa, để tránh cơn thịnh nộ của Ngài.
Lời cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria, chỉ vì tội lỗi và sự gian trá của con người chúng con, mà Con của Mẹ đã chịu treo trên thập gía. Và cũng chính tội lỗi đó ngày nay cũng đang tiếp tục làm tan nát trái tim Mẹ. Một lời ăn năn, vạn vạn lần thống hối, chúng con xin tạ tội cùng Mẹ. Xin Mẹ dạy chúng con biết sống và ăn ở thế nào cho đẹp lòng Chúa và khỏi phiền lòng Mẹ. Xin Mẹ giúp chúng con biết sống thật hiếu thảo, vâng theo luật Chúa, để luôn xứng đáng làm con cái của Mẹ. Amen.