Chỉ còn một tuần nữa là mùa xuân về trên quê hương Việt Nam yêu dấu. Hoa đào, hoa mai đã nở rộ khắp nơi. Mùa xuân của cảnh sắc đất trời đã gần kề khiến lòng người cũng bồi hồi xao xuyến chờ đợi xuân. Ở nơi núi rừng Sapa này, không chỉ đón mùa xuân của đất trời nhưng còn chào đón những nụ hoa của mùa xuân ơn gọi, cũng là những người thợ tương lai sẽ “làm vườn nho cho Chúa”, là những màu hoa làm cho vườn hoa của Giáo thêm muôn sắc. Những nụ hoa ấy như những nụ tầm xuân e ấp bên giọt nắng ban mai trên những ngọn đồi, lúc ẩn lúc hiện trong sương mờ. Những nụ hoa ấy luôn được chăm sóc, luôn được yêu thương và luôn được gọi mời bước tới.
Quả thế, vào ngày 26 và 27.01. 2022, cha Phêrô Phạm Thanh Bình - quản xứ Sapa (quản nhiệm các chuẩn xứ Hầu Thào, Lao Chải và Sử Pán) đã tổ chức họp mặt tu sinh và ăn tất niên cho cụm liên xứ vùng Sapa. Tham dự lần này có 43 em tu sinh trong vùng Sapa thuộc các giáo xứ: Sapa (5 em), Hầu Thào (13 em), Lao Chải (16 em) và Sử Pán (9 em). Trong số 43 em này, có 5 em đang học đại học, thuộc lớp tu sinh của giáo phận, một em đang chờ để vào dòng nữ, số còn lại là học sinh cấp 3 và một số các em thuộc lớp 8, 9.
Chương trình bắt đầu từ chiều ngày 26.01 nhưng các em ở xa đã có mặt từ buổi sáng, cũng có em xuất phát từ buổi sáng nhưng mãi tới đầu giờ chiều mới tới giáo xứ vì đường xa, có em phải nhờ bố mẹ đưa đi và vượt chặng đường tới 45 km để đến với chương trình. Một phụ huynh đưa con đi tham dự ngày họp mặt này chia sẻ: “Con không biết nó đi tu như thế nào, nhưng bây giờ nó tới nhà thờ như thế này con mất 2 ngày. Sáng sớm đưa nó đi, giờ con về, ngày mai xuống đón nó, chiều tối mai mới về tới nhà”. Bố mẹ cũng thật vất vả khi có con cái “đi tu”.
Sau thời gian đón tiếp, vào buổi chiều ngày 26.01, các em được học hỏi về “nhân bản đời tu” và “ơn gọi đi tu” xen lẫn với những giờ vui chơi. Buổi tối là thời gian dành cho việc hồi tâm xét mình, xưng tội và thánh lễ. Sau đó, các em được các anh chị sinh viên chia sẻ những thuận lợi và khó khăn về cuộc sống xa nhà và nhất là đời sống của “sinh viên tu sinh” khi sống trong môi trường vàng thau lẫn lộn.
Sáng hôm sau các em được quý cha chia sẻ về “kinh nghiệm” đi tu. Qua đó, giúp cho các em biết chọn lọc, điều nào tốt giữ lại và phát huy, điều nào xấu thì cần loại bỏ và tránh xa. Tiếp đến, các em được các cha trong ban đào tạo của giáo phận gặp gỡ và chia sẻ.
Kết thúc buổi gặp gỡ bằng giờ chầu bên Chúa Giêsu Thánh Thể thật sốt sắng. Ở bên Chúa Giêsu Thánh Thể, các em có thời gian để nhìn lại cuộc sống của mình với Chúa. Mong sao các em luôn biết yêu mến và gặp Chúa mỗi ngày, ngay từ bây giờ và duy trì mãi sau này.
Hiện nay, vùng Sapa, nhờ sự quan tâm và lòng nhiệt thành của cha quản xứ mà ơn gọi nơi đây càng ngày càng phong phú. Hoa trái của núi rừng vùng Sapa đóng góp cho Giáo hội mặc dù còn khiêm tốn với 1 linh mục và 2 nữ tu, nhưng đó là thành quả không nhỏ và sự nỗ lực trong việc loan báo Tin Mừng cho vùng ngoại biên này. Cha xứ Phêrô đã từng chia sẻ niềm vui khi ngài biết tin một người con của giáo xứ Hầu Thào vừa dâng lời khấn trong một hội dòng ở Hàn Quốc. Cha nói: “Đây là một tin vui và là một kết quả tốt đẹp trong công cuộc loan báo Tin Mừng, đặc biệt đối với anh chị em đồng bào H'mông”. Với 43 em dự tu của vùng này, chắc chắn tin vui cũng sẽ bay đến với giáo xứ và Giáo hội trong những ngày gần nhất.
Điều đặt biệt trong lần gặp gỡ này là có sự tham dự của quý cha và quý thầy trong ban đào tạo của giáo phận. Vì hoàn cảnh dịch bệnh, giáo phận không tổ chức gặp mặt tập trung ở một nơi nên phải đi từng cụm giáo xứ. Covid đã làm ảnh hưởng không chỉ đến đời sống kinh tế, xã hội mà còn ảnh hưởng đến các sinh hoạt tôn giáo trong đó có việc đào tạo ơn gọi.
Việc đào tạo ơn gọi cho Giáo hội là trách nhiệm chung của mọi thành phần dân Chúa. Gia đình là mái trường chủng viện đầu tiên, cha mẹ là những cha giáo, dì giáo đầu tiên cho các em những bài học sơ khởi về ơn gọi tu trì. Kế đến là các tu sĩ, linh mục, các ngài có tránh nhiệm, bổn phận cổ võ ơn gọi, và giúp các gia đình hoàn thành nhiệm vụ cao cả này. Việc cổ võ và nuôi trồng ơn gọi ngay tại giáo xứ là việc rất quan trọng và cấp thiết. Mọi thành phần dân Chúa và các giáo xứ bằng cách này hay cách khác phải có trách nhiệm cổ võ và nuôi trồng ơn gọi cho Giáo hội. Để có được những linh mục, tu sĩ trong tương lai, ngay từ bây giờ các em cần được quan tâm giúp đỡ từ phía gia đình, cha xứ, các tu sĩ và các thầy cô giáo lý viên.
Việc đầu tiên phải bắt nguồn từ gia đình: Dẫu biết rằng, mọi ơn gọi đều được phát xuất từ Thiên Chúa Tình Yêu, nhưng Ngài cần đến sự cộng tác của mỗi gia đình, mỗi thành phần trong Giáo hội. Chính vì vậy mà Giáo hội mời gọi mỗi gia đình chúng ta: “…sống tinh thần đức tin, đức mến và đạo hạnh trở nên như chủng viện sơ khởi” (PC 2) cho con em của chúng ta. Một gia đình tốt thì mới có thể nuôi trồng và phát triển ơn gọi ấy lớn mạnh được, “cây tốt mới sinh trái tốt”. Cha ông ta thường nói: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”, việc tụ tập trong gia đình là việc quan trọng nhất. Nơi đó phát xuất mọi tư tưởng, hành vi của đứa trẻ và qua đó, chúng học hỏi mọi thứ từ người lớn. Vì vậy, gia đình đóng góp vai trò chủ đạo trong việc khai sáng cho con em mình trong ơn gọi sau này.
Thứ đến là các linh mục, tu sĩ, nhất là cha quản xứ: Để có được những linh mục tu sĩ tương lai cho Giáo hội thì ngay từ bây giờ các giáo xứ phải có kế hoạch và chương trình để gieo vào trong tâm trí các em đang đi học tư tưởng dâng mình cho Chúa trong ơn gọi thiêng liêng và cao quý này, nhất là linh mục quản xứ. Thật vậy, Công đồng Vatican II, trong Sắc lệnh về Đào Tạo Linh mục viết rằng: “Mọi Linh mục phải hết sức nêu cao lòng nhiệt thành tông đồ để khích lệ các ơn thiên triệu và lôi cuốn tâm hồn các thanh thiếu niên đến chức Linh mục, bằng chính đời sống cá nhân khiêm nhượng, cần mẫn, vui tươi, cũng như bằng tình tương thân tương ái và cộng tác huynh đệ giữa các Linh mục” (OT 2).
Ước mong những nụ hoa xinh đẹp trong vườn hoa của Giáo hội nơi đây càng ngày càng phát triển rực rỡ trên sườn núi của dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ này và Tin Mừng của Chúa được nhiều người biết đến. Xin tiếp tục cầu nguyện cho ơn gọi trong Giáo hội và nhất là cho vùng đất Sapa xa xôi này.